Bãi xe cao tầng: Sống dở, chết dở

“Có giải quyết được gì đâu!”
Bãi xe cao tầng: Sống dở, chết dở

TPHCM: Lối thoát nào cho bãi đậu xe?

Từ kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như thực tiễn tình hình TPHCM, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đầu tư xây dựng bãi đậu xe cao tầng hiện nay sẽ tối ưu và khả thi hơn bãi xe ngầm. Trong khi đó, những bãi xe cao tầng mà các doanh nghiệp TPHCM đầu tư hiện đại với chi phí hàng trăm tỷ đồng vừa qua khi đưa vào khai thác thì nhà đầu tư đang phải dở sống, dở chết, vì sao?

Bãi đậu xe Tiên Tiến (quận Tân Phú) mới chỉ khai thác được 30% công suất.

“Có giải quyết được gì đâu!”

Được sự giới thiệu của một cán bộ ngành giao thông vận tải TPHCM, sau nhiều lần liên hệ, cuối cùng chúng tôi cũng liên lạc được ông Nguyễn Văn Tiến, chủ đầu tư dịch vụ đậu xe Tiên Tiến. Nhưng dù có nhiệt tình thuyết phục nhưng ông vẫn không mặn mà gặp chúng tôi. Nửa đùa nửa thật, ông Tiến nói: “Tôi không có thời gian tiếp báo đài, ngày nào cũng 6 giờ sáng đi làm ở Tiền Giang đến 8 giờ tối mới về tới TPHCM, phải “cày” như vậy để hàng tháng có tiền chi phí cho dịch vụ đậu xe mà tôi trót lỡ dại đầu tư”.

Thuyết phục mãi, cuối cùng, ông cũng đồng ý gặp chúng tôi sau 8 giờ tối tại bãi đậu xe của mình tọa lạc tại số 71 Chế Lan Viên, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú (TPHCM), khi ông vừa quay về từ Tiền Giang. Nhưng khi gặp nhau, ông cũng không buồn nói gì vì “tôi đã phát biểu nhiều rồi nhưng có được giải quyết gì đâu”.    

Dạo một vòng qua bãi đậu xe cao tầng do tư nhân đầu tư đầu tiên tại TPHCM, đúng như giới trong ngành nhận định, bãi xe đầu tư rất bài bản, hiện đại. Với quy mô cao 5 tầng, bãi xe có sức chứa hơn 1.000 ô tô được lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp và hơn 100 camera giám sát. Ngoài ra, bãi xe còn thiết kế cả khu vực dành cho xe VIP. Nhìn từ xa, khách đã thấy xe của mình…

Từ sự gợi mở của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiến kể: Mặc dù xin giấy phép từ năm 2009 nhưng phải đến 5 năm sau, tức tháng 2-2014, ông mới được cấp giấy phép chính thức kinh doanh tất cả các hoạt động của khu phức hợp này. “Sở này đá qua sở kia, sở kia đá lại sở nọ. Khi đến Sở Xây dựng thì bảo thiếu giấy bên Sở Tài nguyên Môi trường; khi qua Sở Kế hoạch - Đầu tư thì bảo qua xin giấy Sở Giao thông -  Vận tải… Nói chung là vướng đến 10 sở và 2 cục”, ông Tiến bày tỏ. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, trong đó tiền mua bảo hiểm đã hơn 100 tỷ đồng. Nhưng sau hơn một năm rưỡi đưa vào hoạt động, chủ đầu tư cho biết bãi xe chỉ khai thác được 30% công suất. Doanh thu hàng tháng hiện nay chỉ hơn 500 triệu đồng, trong khi lương nhân viên và các chi phí khác đã hơn 300 triệu đồng. “Với số tiền vay ngân hàng để đầu tư, hiện chúng tôi phải bù lỗ để trả lãi hàng tháng hơn 1 tỷ đồng”, ông Tiến mệt mỏi nói.

Lý giải nguyên nhân khiến bãi xe cao tầng của mình đang “dở sống, dở chết”, theo ông Tiến, do cơ quan quản lý chưa có cơ chế giá thích hợp. “Khi chủ đầu tư bỏ ra khoản tiền quá lớn để đầu tư bãi đậu xe hiện đại, đảm bảo an toàn cho người gửi thì lẽ ra Nhà nước phải xây dựng cơ chế giá tương ứng để nhà đầu tư có thể thu hồi vốn, tiến tới hoạt động có lãi. Đằng này, Nhà nước để nhà đầu tư “tự bơi”. Trong khi các bãi giữ xe tạm bợ, bãi trái phép cứ nhan nhản hoạt động, giá giữ xe lại rẻ hơn nên nhà đầu tư chỉ có chết”, ông Tiến nói.

Ế như… chợ chiều!

Theo kế hoạch, ngoài khu vực giữ xe 5 tầng hiện có, trung tâm Tiên Tiến sẽ xây dựng thêm một khu vực giữ xe với quy mô 2.000 xe và khu nhà lưu trú cho tài xế, nhưng với tình trạng ế ẩm hiện nay, chủ đầu tư đã tạm thời dừng lại. Hiện tại nơi đây chỉ đang khai thác dịch vụ bãi đậu xe, cửa hàng xăng dầu và dịch vụ rửa xe tự động. “Nếu với đà này, có lẽ chúng tôi sẽ tính tới phương án thay đổi để kinh doanh dịch vụ khác”, ông Tiến chia sẻ.

Không riêng bãi xe Tiên Tiến, mà dự án bãi đậu xe 10 tầng của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) vừa được đầu tư khá bài bản tọa lạc trên tuyến đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang, quận 1) cũng đang lâm vào tình trạng ế ẩm như… chợ chiều, trong khi giá giữ xe tại bãi xe này được khảo sát là không cao! Cụ thể, giá giữ ô tô đối với khách ngoài là 2 triệu đồng/xe/tháng và 1,6 triệu đồng/xe/tháng dành cho các sở ban ngành TP. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng đưa vào khai thác dự án trăm tỷ này, đến nay bãi xe cũng mới có 50 xe vào gửi với doanh thu chỉ khoảng 100 triệu đồng/tháng, trong khi công suất của bãi có thể chứa cả ngàn xe. Ông Trần Thành Đạt, Phó Chánh văn phòng tổng công ty trên cho biết, đơn vị này sẽ tích cực hơn nữa trong việc tìm khách hàng bằng cách gửi thư ngỏ đến các cơ quan, đơn vị tọa lạc quanh khu vực bãi xe để mời gọi gửi xe vào bãi; đồng thời in danh thiếp dắt vào các ô tô đang gửi tại các bãi xe tạm, bãi dưới các dạ cầu để mời chào khách vào bãi.

Theo phân tích của một lãnh đạo Sở GTVT, kỹ thuật thi công bãi đậu xe ngầm phức tạp hơn xây dựng bãi cao tầng. Về mặt kỹ thuật có thể thực hiện được, nhưng về lý thuyết vẫn phải thi công đào hở nên trong quá trình thi công, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao thông. Đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân cho rằng, kinh phí đầu tư bãi đậu xe ngầm rất tốn kém so với bãi xe cao tầng. Doanh nghiệp đầu tư bãi đậu xe ngầm tính toán xây dựng bãi đậu xe ngầm kèm theo các dịch vụ kinh doanh thương mại trong các tầng ngầm ấy. Tuy nhiên, ở góc độ kinh tế do chi phí đầu tư cac bãi đậu xe ngầm rất tốn kém nên dịch vụ kinh doanh thương mại tại các bãi đậu xe ngầm khó cạnh tranh với các dịch vụ tại các trung tâm cao ốc thương mại cao tầng hiện hữu, nên tính về hiệu quả kinh tế, nhà đầu tư bãi xe ngầm sẽ khó thành công.

Do vậy, theo các chuyên gia thì việc đầu tư bãi xe cao tầng được xem là tối ưu. Tuy nhiên, với cơ chế giá giữ xe vô lý hiện nay cùng với sự “trăm hoa đua nở” của các bãi xe trái phép, tạm bợ giá rẻ hơn thì nhà đầu tư chỉ có chào thua.

VÂN ANH - THÁI PHƯƠNG

- Bài 2: Cao ốc ở đâu, bãi xe trái phép ở đó

Tin cùng chuyên mục