Bàn chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020

Sáng 28-6, Bộ VH-TT-DL phối hợp với Cục Điện ảnh đã có buổi họp đóng góp cho dự thảo đề án “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

(SGGP).- Sáng 28-6, Bộ VH-TT-DL phối hợp với Cục Điện ảnh đã có buổi họp đóng góp cho dự thảo đề án “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam đang có những bước phát triển mới về công nghệ sản xuất, xuất hiện những cách làm phim mới, tư duy điện ảnh mới; việc hợp tác làm phim quốc tế được đẩy mạnh và có nhiều hình thức hợp tác mới; thị trường điện ảnh nội địa ngày càng lớn với sự phân chia thị phần phức tạp hơn. Thực tế này đã đặt các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh phải sớm có những định hướng phát triển để đáp ứng nhu cầu của ngành trong tình hình mới. Sau quá trình nghiên cứu, Bộ VH-TT-DL đã hoàn thành dự thảo đề án “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và tổ chức họp lấy ý kiến của những người trong ngành nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo, áp dụng đưa vào thực tế.

Có thể thấy doanh số điện ảnh hàng năm tăng đáng kể: Năm 2000: 2 triệu USD; năm 2010: 26 triệu USD; năm 2011: 35 triệu USD; năm 2012: 47 triệu USD, chứng tỏ Việt Nam là thị trường tốt cho việc phát triển công nghiệp điện ảnh.

Các tham luận, ý kiến đều thống nhất nhận định dự thảo khá đầy đủ, hoàn chỉnh; đề cập đến mọi vấn đề từ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, vai trò trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phát hành phim… NSND - đạo diễn Huy Thành còn khẳng định: “Dự thảo này là một văn bản kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay mà tôi biết, quan trọng là Bộ VH-TT-DL thuyết phục được lãnh đạo nhà nước, khán giả, nhà đầu tư”.

Nhiều ý kiến đồng tình với nhóm giải pháp cho điện ảnh Việt Nam như: Đầu tư xây dựng mới các rạp chiếu phim và cải tạo lại hệ thống rạp cũ; phải chú trọng vấn đề đào tạo nhân lực cho các vị trí nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, quay phim HD, kỹ thuật, kỹ sư âm thanh, dựng phim, chuyên gia làm kỹ xảo… với những chương trình đào tạo dài và ngắn hạn cả trong nước lẫn ra nước ngoài; xây dựng Quỹ hỗ trợ điện ảnh và thành lập hiệp hội các nhà sản xuất và phát hành phim với mong muốn điều tiết tình hình sản xuất và phát hành phim sao cho thống nhất, cân bằng để đảm bảo quyền lợi cho tất cả những nhà sản xuất, phát hành phim…

PGS-TS Trần Luân Kim không ngần ngại khẳng định: “Thực tế hiện nay, chất lượng đào tạo đội ngũ làm nghề đang có vấn đề. Giáo trình giảng dạy đã quá cũ nên rất cần sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy và cũng nên bồi dưỡng cho cả giáo viên”. Lãnh đạo Sở VH-TT-DL của một số tỉnh như Đắk Lắk, Bình Thuận, Đà Nẵng nhấn mạnh đến nhu cầu phim ảnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và công nhân lao động tại các khu công nghiệp…, cần đầu tư các đội chiếu phim lưu động.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên: “Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo rất sâu sắc. Việc đầu tư xây rạp là cần thiết, nhưng có rạp rồi liệu có đủ phim để chiếu, đó cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Bộ ủng hộ việc thành lập hiệp hội những nhà sản xuất và phát hành phim”. Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan bày tỏ sự vui mừng vì nhiều góp ý như vậy chứng tỏ, dự thảo đã nhận được sự quan tâm nhiệt tình của người làm nghề. Trong mong muốn làm sao để điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển và phát triển đúng hướng, dự thảo “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” ra đời là phù hợp và kịp thời. Mọi người đều mong, dự thảo sớm được Thủ tướng phê duyệt, chỉ có như thế mới hy vọng theo kịp sự phát triển nhanh như vũ bão hiện nay của điện ảnh.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục