Bán đảo Cà Mau - Biển đang lấn đất

Triều cường, nước biển dâng gây tràn bờ và làm sạt lở bờ sông, bờ biển vùng bán đảo Cà Mau diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phá hủy nhiều công trình kinh tế, dân sinh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn…
Bán đảo Cà Mau - Biển đang lấn đất

Triều cường, nước biển dâng gây tràn bờ và làm sạt lở bờ sông, bờ biển vùng bán đảo Cà Mau diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phá hủy nhiều công trình kinh tế, dân sinh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn…

Nước biển dâng thường xuyên đe dọa các huyện ven biển Cà Mau. Ảnh: X.HẠ

Nước biển dâng thường xuyên đe dọa các huyện ven biển Cà Mau. Ảnh: X.HẠ

  • Thiệt hại ngày càng tăng

Vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thị sát về tình hình ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng bán đảo Cà Mau. Trong buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng, Chủ tịch nước lưu ý, đê biển là một công trình phức tạp, đòi hỏi sự nghiên cứu thấu đáo, tham khảo ý kiến những quốc gia có kinh nghiệm để có một phương án tốt nhất đảm bảo được 2 yếu tố phát triển và hệ sinh thái. Chủ tịch nước đề nghị giai đoạn hiện nay cần khẩn trương tranh thủ nguồn vốn ODA nằm trong các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc tế, vì trong tương lai Việt Nam sẽ khó tiếp cận nguồn vốn rẻ.

Kết quả quan trắc tại khu vực này cho thấy, đỉnh triều cường và mức độ thiệt hại năm sau thường cao hơn năm trước. Cụ thể, tại Cà Mau, năm 2007 mực nước dâng 1,5m, thiệt hại gần 4.890ha; năm 2008 nước dâng lên 1,6m làm thiệt hại hơn 10.600ha; năm 2011 mực nước tiếp tục dâng lên 2,1m, làm thiệt hại gần 19.700ha đất sản xuất của nhà nông trong tỉnh.

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, nếu mực nước tiếp tục dâng như hiện nay, sắp tới có khoảng 90.000ha đất sản xuất trên địa bàn (đặc biệt là hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển) có nguy cơ bị ngập nặng.

Từ năm 2000 trở về trước, vùng biển phía Tây của tỉnh Cà Mau luôn được phù sa bồi lắng, lấn ra biển. Nhưng trong những năm gần đây, phần lớn khu vực này đã không còn được bồi lắng như trước nữa mà thường xuyên xảy ra sạt lở lấn sâu vào đất liền. Hiện nay, ven bờ biển của tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài bị sạt lở ở mức nguy hiểm đã lên đến hàng chục cây số, trong số đó có 4 khu sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài gần 16km. Khu vực sạt lở nguy hiểm là đoạn đê biển Tây từ Kinh Tư đến Tiểu Dừa dài 25km. Đồng thời, đi kèm theo đó là tình trạng bồi lắng phù sa trên rất nhiều tuyến kênh rạch phía trong đất liền, nhất là vùng ven biển và vùng giao thoa giữa hai chế độ thủy triều.

Tại Bạc Liêu, theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời gian gần đây trên địa bàn Bạc Liêu đã liên tiếp xảy ra hiện tượng nước biển dâng cao bất thường, kèm theo sóng to, gió lớn, sạt lở đất, sự xâm thực ngày càng sâu vào đất liền của biển. Đáng lưu ý là mực đỉnh triều cường năm sau luôn cao hơn nhiều lần so với năm trước. Đặc biệt, mực nước triều trong những tháng cuối năm 2011 vừa qua là mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua.

Kỹ sư Lê Văn Sa, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bạc Liêu nhận định: Diễn biến bất thường của thời tiết đối với vùng dân cư ven biển tỉnh Bạc Liêu cho thấy kịch bản của biến đổi khí hậu ngày càng hiện rõ, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh của hàng ngàn cư dân vùng ven biển Bạc Liêu. Trong khi chờ đợi nguồn ngân sách thực hiện các dự án xây kè ngăn sóng và nước dâng, phòng sạt lở đất, thì hàng ngày những cư dân nghèo ven biển đang phải gồng mình chống đỡ với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

  • Bao giờ mới có giải pháp?

Trong năm 2011, Cà Mau đã đầu tư xây dựng 16 công trình thủy lợi với tổng giá trị lên đến trên 200 tỷ đồng. Trong khi nhu cầu thực tế cho việc làm những đoạn đê mới thuộc hệ thống đê biển Tây và đê biển Đông lên đến trên 5.000 tỷ đồng. Nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân trên địa bàn, tỉnh Cà Mau mong Chính phủ sớm hỗ trợ xây dựng kè chống sạt lở đê biển, đê sông, lồng ghép với nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, bán đảo Cà Mau là vùng có chế độ thủy văn, thổ nhưỡng phức tạp, nằm xa sông Hậu, chịu tác động của cả triều biển Đông lẫn biển Tây, đa dạng về cơ cấu và mô hình canh tác nông nghiệp và thủy sản, vì thế, hệ thống công trình thủy lợi trong vùng cũng phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp hơn so với các vùng khác, nhất là từ sau năm 2001, vùng ven biển có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ lúa sang nuôi trồng thủy sản trên quy mô lớn. Hiện vùng bán đảo Cà Mau có 36 kênh trục (633km), 428 kênh cấp I (5.294km), 3.297 kênh cấp II (13.689km), 7.467 kênh cấp III và nội đồng (16.692km), 322 cống lớn và trung bình, 244km bờ bao kiểm soát lũ, 282km đê biển.

Gia cố đê biển tại phường Nhà Mát (Bạc Liêu) nhằm ứng phó với nước biển dâng. Ảnh: P.T.C.

Gia cố đê biển tại phường Nhà Mát (Bạc Liêu) nhằm ứng phó với nước biển dâng. Ảnh: P.T.C.

Trong 50 năm qua, mực nước trung bình vùng biển Đông của ĐBSCL tăng lên 12cm. Theo “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường (tháng 6-2009) ứng với mức theo kịch bản phát thải trung bình, mực nước trung bình biển Đông vùng ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 12cm vào năm 2020, 17cm vào năm 2030 và 30cm vào năm 2050 (75cm vào năm 2100).

Bộ TN-MT kiến nghị các ngành và địa phương sử dụng kết quả theo kịch bản này để xây dựng chiến lược ứng phó với nước biển dâng. Trong báo cáo trên, Bộ TN-MT cũng đề xuất đến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành việc cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng, cho từng giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2100. Các kịch bản có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Đến năm 2015 tiếp tục cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng. Tuy nhiên, cần lưu ý là trong kịch bản trên, còn 2 vấn đề quan trọng đối với ĐBSCL mà báo cáo chưa đề cập, đó là: Đối với mực nước biển dâng, chỉ mới công bố mực nước dâng trung bình, trong khi đỉnh và chân thủy triều mới là vấn đề quan trọng, quyết định hình thức và quy mô công trình ứng phó. Đỉnh triều cường mới chính là nguyên nhân gây ngập lụt do triều ở ĐBSCL và các đô thị trong khu vực.

Trong khi chờ đợi các giải pháp tổng thể, người dân và các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau không biết làm gì hơn là… gia cố đê bao, nâng cao nền nhà và lo lắng không biết bị ngập lụt lúc nào. 

H.LUÔNG - L.PHƯƠNG - X.HẠ

Tin cùng chuyên mục