Hỏi: Trong một trò chơi trên truyền hình, người dẫn chương trình cho rằng Thái Dương hệ của chúng ta đã có thêm hành tinh thứ 10. Hành tinh đó tên gì và được khàm phá khi nào? Thu Cẩm (phố Cầu Gỗ, Hà Nội)
KHÁNH TƯỜNG: Ngày 29-7-2005, 3 nhà thiên văn Michael E.Brown (Viện Công nghệ California), Chadwick A.Trujillo (Đài thiên văn Gemini) và David L.Rabinowitz (Đại học Yale) chính thức công bố đã khám phá một hành tinh mới: đó là hành tinh 2003 UB 313, có đường kính khoảng 2.600km (trái đất: 12.756km) cách xa mặt trời 14,5 tỷ km và chuyển động theo một quỹ đạo hình bầu dục chung quanh mặt trời mà vị trí gần mặt trời nhất là 5,3 tỷ km.
Hành tinh 2003 UB 313, theo thủ tục, đã được Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) ghi nhận để đặt tên theo đề nghị của những người khám phá. Hành tinh mới này không nằm trong mặt phẳng hoàng đạo như chín hành tinh khác của Thái Dương hệ mà tạo với mặt phẳng hoàng đạo một góc 45 độ.
Trong khi chờ IAU đặt tên, hành tinh thứ 10 của Thái Dương hệ tạm mang ký hiệu 2003 UB 313. Đó là một hành tinh xa xôi và băng giá vì theo ước tính nhiệt độ trên bề mặt hành tinh này là -4050C.
Hỏi: a) Tại sao không gọi cuốn sách mà lại gọi là đầu sách? b) Tại sao người miền Nam không gọi bánh da heo mà gọi là bánh da lợn? Phạm Diễm Quỳnh (quynh 1505@yahoo.com)
LÊ TRUNG HOA: a) Từ cuốn có hai cách hiểu:
- Đơn vị tên sách được in. Nghĩa này có thể xem như đồng nghĩa với các cách gọi đầu sách hay tựa sách. Thí dụ: Trong năm 2005, Nhà xuất bản X. đã in được 1.500 cuốn (1.500 đầu sách).
- Số lượng một tựa sách được in. Nghĩa này có thể xem như đồng nghĩa với bản. Thí dụ: Tác phẩm Y. được in 1.500 cuốn (1.500 bản).
Như vậy, cách dùng từ cuốn có thể gây mơ hồ. Thí dụ: Chỉ ghi “in 1.500 cuốn” thì có thể hiểu in 1.500 đầu sách hoặc in 1.500 bản. Vì vậy, nếu thay từ cuốn bằng đầu sách hoặc bản thì tránh được lối mơ hồ trên. Do đó, từ tổ đầu sách ngày càng thông dụng.
b) Người Nam bộ không gọi bánh da heo mà gọi bánh da lợn có thể do một trong các nguyên nhân sau: 1. Người đầu tiên đặt tên cho bánh này là một người Bắc hoặc gốc Bắc; 2. Do cách dùng ngoại lệ. Chẳng hạn, người Trung và Nam thường dùng từ nhỏ, ít khi dùng từ bé; nhưng lại nói vợ bé, rạch Ông Bé (TPHCM).
Hỏi: Nhờ quý báo cho biết thời điểm robot đầu tiên xuất hiện và quá trình chế tạo robot phục vụ con người. Lê Phước Hải (huyện Hòa Thành, Tây Ninh)
KHÁNH TƯỜNG: Robot là các cỗ máy thay thế con người trong một công việc nào đó. Theo từ điển tiếng Pháp (Le Robert pour tous), từ robot xuất xứ từ tác phẩm Rossem’s Universal Robots (RUR) của nhà văn Séc Karel Capek xuất bản năm 1920. Trong tác phẩm RUR, Capek mô tả một xã hội lệ thuộc vào những người máy toàn năng. Từ robot nguyên thủy có nghĩa là lao động nô lệ. Robot công nghiệp đầu tiên xuất hiện vào năm 1961 do Y.Engelberger và G.Devol chế tạo có tên là Unimate. Thế hệ robot đầu tiên này chỉ có khả năng lặp đi, lặp lại một động tác duy nhất.
Năm 1973, robot mang dáng dấp con người đầu tiên xuất hiện, Wabot 1, do đại học Waseda (Nhật) chế tạo và kể từ đó Nhật là nước luôn đứng đầu trong ngành chế tạo robot (60% robot được làm tại Nhật).
Năm 1996, Hãng Honda cho ra đời một robot có khả năng di chuyển trên hai chân như con người, đó là tiền thân của Asimo, xuất hiện bốn năm sau đó (2000). Hãng Sony năm 1999 cũng tung ra chú chó robot dễ thương Aibo và năm 2000 là Qrio, một robot nhân hình có khả năng di chuyển, cử động và giữ thăng bằng rất linh hoạt.
Ngày nay, đã thử nghiệm chế tạo: robot làm tiếp viên khách sạn, robot phục vụ trong bệnh viện, robot cứu hỏa… Tuy nhiên, theo các chuyên gia về robot, thế hệ robot thông minh có thể thay thế hoàn toàn con người vẫn còn ở trong tương lai rất xa.
Hỏi: a) Gốc tên tác phẩm và tác giả là Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Tại sao nhiều người lại viết thành “quốc, Huỳnh “và bỏ “Paulus”? Viết như thế có phải là không tôn trọng tác giả?
b) Thành ngữ “tứ thân phụ mẫu” phải chăng thừa từ phụ mẫu vì thân là “cha mẹ”? Út Nâu (Đồng Tháp)
LÊ TRUNG HOA: a) Các từ quốc, Huỳnh trên viết theo cách của thế kỷ XIX. Ngày nay, để thuận tiện cho đông đảo bạn đọc và thống nhất với các chữ cùng dạng như (lem) luốc, (cái) cuốc, khuynh (hướng), quýnh (quáng), hầu hết nhất trí viết là quốc, Huỳnh. Còn Paulus là tên thánh của những người theo đạo Thiên Chúa. Tiến sĩ linh mục Nguyễn Hưng khẳng định: “Chỉ ghi tên thánh trên những giấy tờ tôn giáo: rao hôn phối, trên mồ mả” (Lê Trung Hoa, Họ và tên người Việt Nam, NXB KHXH, 2005, tr.173). Do đó, khi nhắc đến Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, các nhà văn hóa đều bỏ Paulus và Petrus. Theo ý chúng tôi, việc này không có gì là không tôn trọng tác giả.
b) Thân là một từ đa nghĩa. Thân có ít nhất 4 nghĩa: “thương yêu”, “gần gũi”, “mẹ cha”, “họ hàng” (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển). Thân có thể dùng tắt để chỉ cha mẹ. Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã viết:
“Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về” (câu 430)
Nếu muốn nói đầy đủ phải là thân phụ (cha), thân mẫu (mẹ). Hơn nữa, thân lại có nhiều từ đồng âm nên nếu chỉ nói tứ thân thì có thể hiểu là (áo) tứ thân (4 mảnh). Do đó, từ phụ mẫu ở đây không thừa.