Bàn giải pháp hạn chế cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Đã có hàng loạt ý kiến đóng góp của các chuyên gia, người dân… được đưa ra tại hội thảo “Cơ sở khoa học về sức tải thủy vực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”, do các Sở Khoa học Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TPHCM tổ chức, diễn ra tại TPHCM ngày 28-10. Các chuyên gia đã cảnh báo về chất lượng môi trường nước của dòng kênh, chu kỳ cá chết qua mỗi năm gia tăng…; đồng thời cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.
Bàn giải pháp hạn chế cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Đã có hàng loạt ý kiến đóng góp của các chuyên gia, người dân… được đưa ra tại hội thảo “Cơ sở khoa học về sức tải thủy vực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”, do các Sở Khoa học Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TPHCM tổ chức, diễn ra tại TPHCM ngày 28-10. Các chuyên gia đã cảnh báo về chất lượng môi trường nước của dòng kênh, chu kỳ cá chết qua mỗi năm gia tăng…; đồng thời cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có nguy cơ thủy vực bị quá tải. Ảnh: CAO THĂNG

Thủy vực quá tải

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, khẳng định sự “lột xác” của dòng kênh này góp phần thúc đẩy, cải thiện cuộc sống của người dân. Tuy vậy, thời gian gần đây, cá chết liên tục trên kênh không theo quy luật (vào thời điểm giao mùa, cá chết nhiều), đặt ra nhiều câu hỏi cho lực lượng chuyên trách và gây bức xúc trong cộng đồng cư dân TP. Chung nhận định này, sư cô Thích Nữ Huệ Đức, trụ trì Quan Âm Tu viện (phường 2, quận Phú Nhuận), chia sẻ: “Từ năm 2013, hưởng ứng lời kêu gọi của TP, mỗi tháng chúng tôi tổ chức 2 lần phóng sanh, số lượng 0,5 - 1 tấn cho mỗi lần thả, tương đương 20 - 30 triệu đồng/lần, gồm cá rô phi, chép, trê. Nhưng nay chúng tôi đã cân nhắc ngưng thả vì thấy cá chết ở kênh nhiều quá”. Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc lý giải, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết là môi trường nước của kênh có vấn đề, trong khi các hoạt động quản lý dòng kênh hiện nay chưa bài bản, thiếu quy hoạch đồng bộ.

PGS-TS Vũ Cẩm Lương, Trường Đại học Nông lâm TPHCM, cho biết kết quả nghiên cứu về sức tải thủy vực cũng như chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (do ông làm chủ nhiệm đề tài, kéo dài 2 năm) thì có gần 7 con cá rô phi trên 1m2, chiếm khoảng 84% mật độ cá dưới dòng kênh, mặc dù loài cá này hầu như không được thả. Điều này dẫn đến tình trạng các đối tượng cá khác bị lấn lướt. Theo ông Lương, sức tải thủy vực là khả năng mà dòng kênh dung nạp và tiếp nhận đàn cá. Trong tự nhiên, mỗi dòng kênh đều có sức dung nạp thủy sản riêng, đàn cá cân bằng với sức tải thủy vực, hoàn toàn không có sự can thiệp của con người. Riêng dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị con người can thiệp rất lớn, nguy cơ thủy vực quá tải. Hiện tại, sinh lượng cá đã vượt ngưỡng sức tải về cơ sở thức ăn tự nhiên.

Gắn thiết bị sục khí oxy

Ông Trần Văn Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM, cho biết giữa năm 2013, TP kêu gọi tái tạo nguồn lợi thủy sản. Chi cục đã thả 205.000 con thủy sinh, thủy sản. Sau đó, vào các ngày lễ lớn, bà con cũng thả thêm để phục hồi. Năm 2014, vào thời điểm giao mùa từ nắng sang mưa, lượng cá chết gần 10 tấn. Đến năm 2015, số lượng này khoảng 20 tấn; giữa tháng 4 - 2016 thì cán mức 70 tấn. Rõ ràng, chu kỳ cá chết qua các năm liên tục gia tăng. Vậy nguyên nhân từ đâu?

 

 Cần có hệ thống quan trắc môi trường thủy sản

PGS-TS Vũ Cẩm Lương phân tích: Chúng ta chưa có hệ thống quan trắc môi trường phục vụ thủy sản để biết cá có thể sống tốt trong môi trường nước đó hay không. Chúng ta hiện nay chỉ đo lượng oxy hòa tan trung bình trong nước. Cụ thể, thường đo lượng oxy hòa tan vào buổi trưa. Điều này không có ý nghĩa với cá, vì chúng thường bị sốc oxy vào thời điểm sáng sớm trước khi mặt trời mọc. Chính vì vậy, để biết cá có đủ oxy hay không phải đo vào lúc 5 - 6 giờ, tùy vào mùa trong năm. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp như quản lý đàn cá, quản lý nút thắt chất lượng nước, đưa mục tiêu quản lý đàn cá vào các chương trình quan trắc môi trường…

 

Ông Sơn cho rằng, tình trạng cá chết nhiều thường xảy ra vào thời điểm giao mùa. Khi nước mưa đổ xuống tạo dòng xáo trộn lớn khiến bùn bã hữu cơ trong nước tăng, đẩy các chỉ tiêu hóa lý vượt ngưỡng, phát sinh một số khí độc… Ngoài ra, trữ lượng cá sinh sản tự nhiên khá nhiều, tăng đều qua các năm nên khi xảy ra sự cố, cá chết cũng nhiều hơn.

Để giảm thiểu rủi ro, hạn chế tình trạng cá chết đột ngột, số lượng lớn, ông Trần Văn Sơn kiến nghị các sở ngành cùng tham gia, tập trung điều tiết dòng nước trong kênh hợp lý; dùng sản phẩm xử lý dạng khoáng chất như vi sinh, chế phẩm sinh học; vớt rác trên kênh thường xuyên… Song song đó, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho người dân ở hai bên kênh; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng lạm sát thủy sản; hướng đến khai thác hợp lý. “Giải pháp lâu dài, nên nghiên cứu, gắn thiết bị cung cấp oxy hoặc quạt nước (giống Hà Nội đang áp dụng cho hồ Tây). Khi nồng độ oxy hòa tan trong nước giảm, máy sục tạo oxy, trộn và đưa vào trong nước, nhằm tăng oxy giúp thủy sinh sinh sống, đồng thời giải thoát khí độc trong nước”, ông Trần Văn Sơn nói.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, PGS-TS Vũ Cẩm Lương nhìn nhận, vấn đề bây giờ không phải là thả như thế nào mà là khai thác ra sao, thậm chí hạn chế thả. Việc thả cá cũng giống như trồng rừng. Ông Lương minh họa, chúng ta trồng rừng thật nhiều sẽ dẫn đến suy thoái rừng nếu không có biện pháp tỉa thưa. Tương tự, khi đàn cá ở thủy vực quá đông, chúng ta nên cân nhắc thả loại cá nào cho phù hợp hoặc khai thác bớt. Đàn cá vượt ngưỡng sức tải thủy vực là mối nguy thủy vực, dẫn đến khả năng sụt giảm đột ngột, khiến cá bị bệnh hoặc chết đồng loạt. Mọi người cần thay đổi suy nghĩ, chẳng hạn chấp nhận thả cá là tích cực thì việc đánh bắt cá với một lượng phù hợp, tránh sụp đổ quần thể cá cũng là điều tích cực.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục