Theo ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình, sau khi nhận bàn giao, đơn vị tạm thời sẽ để đàn bò ở lại khu vực trại nuôi của một hộ gia đình tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. “Sau khi tiếp nhận, đơn vị sẽ xây dựng một khu vực nuôi mới, sau đó sẽ di chuyển đàn bò về đây chăm sóc. Từ hôm nay chúng tôi sẽ cử cán bộ, nhân viên chăm sóc đàn bò, đảm bảo chúng sống khỏe”, ông Vân nói.
Theo một cán bộ Chi cục thú y tỉnh Ninh Thuận, qua thăm khám những con bò tót F1 có dấu hiệu của ký sinh trùng đường ruột. “Bệnh này không nguy hiểm, nhưng nếu không chữa trị kịp thời có thể khiến cơ thể bò suy kiệt dẫn đến chết”, cán bộ này nói và cho biết nguyên nhân của bệnh có thể do thức ăn không đủ dinh dưỡng, thiếu chất.
Năm 2008, người dân xã Phước Bình, huyện Bác Ái phát hiện con bò tót đực cường tráng từ đại ngàn về làng, đeo bám theo những con bò cái của người dân thả rông ở khu vực nương rẫy dưới chân núi Tà Nin, thuộc Vườn quốc gia Phước Bình; kết quả của những cuộc tình “vụng trộm” giữa bò tót rừng với bò nhà đã cho ra đời hơn 20 con bò tót lai vượt trội về thể trọng và có các đặc điểm về màu lông, sừng... rất giống bò rừng.
Để duy trì và phát triển nguồn gen quý hiếm này, đầu năm 2012, Sở KHCN hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng thống nhất mua lại 10 con bò tót lai của người dân và tạo vùng khoanh nuôi phù hợp với môi trường sống của bò tót để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Đề tài liên tỉnh này được thực hiện với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Các kết quả nghiên cứu và tài sản của đề tài nêu trên đã bàn giao cho Trung tâm ứng dụng KHCN Lâm Đồng để tiếp tục kế thừa chủ trì thực hiện đề tài cấp quốc gia “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Tháng 6-2019 đề tài này kết thúc.
Sau khi kết thúc đề tài, đàn bò tót lai (5 con đực, 5 con cái) gầy ốm bất thường, chỉ còn da bọc xương. Ông Nguyễn Văn Vinh, người được thuê chăm sóc đàn bò tót lai cho biết, đã làm việc trong trang trại chăn nuôi bò tót hơn 2 năm. Công việc hằng ngày của ông Vinh là bỏ 8 bó rơm khô vào khu vực chuồng trại và bơm nước vào máng để đàn bò tót ăn uống. Mỗi tháng ông Vinh nhận được 4 triệu đồng.
Theo ông Vinh, trước đây Ban quản lý dự án thuê 2ha đất nông nghiệp để làm trang trại (1ha trồng cỏ; 1ha để cho đàn bò di chuyển), nhưng do không có tiền thuê nên người dân lấy lại đất và chỉ cho mượn khoảng 500 m2 đất làm chuồng nhốt chúng lại, kiểu như nuôi heo công nghiệp. "Hơn 2 năm nay đàn bò lai chỉ ăn toàn rơm khô, nên ốm trơ xương. Sau hơn 6 năm thực hiện đề tài, đàn bò tót lai F1 này không sinh sản được thế hệ F2".
Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHCN Lâm Đồng cho biết, sau khi kết thúc đề tài, đơn vị cũng đã có tờ trình gửi các cơ quan cấp trên để bàn giao nhưng thủ tục đến nay mới xong. Từ khi kết thúc đề tài, kinh phí duy trì, chăm sóc đàn bò cũng không còn. Trung tâm phải tự cân đối nguồn kinh phí của đơn vị bình quân 10 triệu đồng/tháng để thuê người chăm sóc, nuôi dưỡng và mua thức ăn cho bò.