Thu gom rác theo hình thức và mức thu mới

Băn khoăn trước giờ áp dụng

Băn khoăn trước giờ áp dụng

Thực ra, ngay cả những người có trách nhiệm trong việc triển khai thu gom rác theo hình thức và mức thu mới cũng chưa biết chính xác bao giờ quy định này mới được thực hiện. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, nghị quyết HĐND TPHCM đã cho phép áp dụng hình thức thu và mức thu phí thu gom rác mới từ ngày 1-1-2009. Tuy nhiên, sở vẫn chưa nhận được quyết định triển khai quy định này như thế nào. “Có lẽ phải qua Tết Kỷ Sửu mới có thể tính được” Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt nói.

Băn khoăn trước giờ áp dụng ảnh 1

Thu gom rác trên đường Nguyễn Kiệm. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Hình thức thu gom rác mới về cơ bản không khác nhiều so với hiện tại. Hiện nay Công ty Môi trường Đô thị TPHCM và Công ty Dịch vụ công ích các quận, huyện đảm nhận công tác thu gom rác từ một số cơ quan, xí nghiệp lớn, các hộ dân nằm trên các trục đường chính, từ các kênh rạch trên địa bàn thành phố (sau khi tổ chức vớt rác), vận chuyển đến các bãi chôn lấp và phối hợp với các công ty xử lý chất thải tiến hành công tác xử lý.

Các “dây” rác dân lập chủ yếu thu gom rác từ các hộ dân nằm trong hẻm và vận chuyển rác đến các trạm trung chuyển. Hình thức thu mới vẫn chấp nhận cơ cấu tổ chức như vậy, song chỉ có một điểm khác cơ bản là chính quyền địa phương cấp phường sẽ tổ chức thu phí thu gom rác thay cho lực lượng thu gom rác dân lập.

Lực lượng này vẫn tiến hành công tác của mình và nhận tiền công từ chính quyền thay vì thu trực tiếp từ các hộ dân như hiện nay. Các đơn vị công ích, các tổ chức dân lập nhưng có tư cách pháp nhân như HTX thì vẫn được trực tiếp thu phí từ các hộ dân. Tuy chỉ có khác biệt “chút xíu” như vậy, song cũng là vấn đề không dễ giải quyết. Chính quyền địa phương sẽ tiến hành thu phí này như thế nào? Có cần tăng thêm bộ máy hay có thể kết hợp thu với các khoản phí khác? Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt cho rằng có lẽ còn phải bàn nhiều.

Mức thu phí mới đối với các hộ dân sẽ tăng hơn so với hiện nay từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng/hộ. Hộ dân ở khu vực nội thành (14 quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận) khu vực mặt tiền đường sẽ đóng khoảng 20.000 đồng/hộ/tháng, thay vì 10.000 đồng/hộ/tháng đến 15.000 đồng/hộ/tháng như trước đây.

Hộ dân cũng ở khu vực nội thành nhưng ở trong hẻm đóng 15.000 đồng, thay vì 10.000 đồng/hộ/tháng đến 12.000 đồng/hộ/tháng. Hộ dân ở mặt tiền đường ngoại thành hoặc vùng ven đóng 15.000 đồng/hộ/tháng, thay vì 8.000 đồng/hộ/tháng đến 12.000 đồng/hộ/tháng. Hộ dân ngoại thành, vùng ven trong hẻm đóng 10.000 đồng/hộ/tháng, thay vì 5.000 đồng/hộ/tháng đến 8.000 đồng/hộ/tháng… Các đối tượng còn lại bao gồm nhà hàng, khách sạn, chợ… phải nộp từ 60.000 đồng đến 176.000 đồng/tháng.

Theo Sở TN-MT, hiện nay trung bình mỗi năm TPHCM phải chi 900 tỷ đồng cho hoạt động bảo vệ môi trường thành phố, và con số này sẽ gia tăng 10% - 12%/năm theo đà gia tăng dân số và hoạt động sản xuất. Đây thực sự là gánh nặng đối với chính quyền thành phố. Với mức thu mới, gánh nặng này sẽ giảm, song Sở TN-MT cho rằng “trong thời gian đầu, khi mức thu mới đi vào thực hiện thì ngân sách thành phố vẫn phải trợ giá một phần”, vì nếu tính đúng, tính đủ cả chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác, thì mức thu phải gấp 2 - 3 lần so với hiện nay.

Và đây chính là băn khoăn của ngành chức năng: làm sao để người dân tự giác đóng phí vệ sinh môi trường (cho dù chưa được tính đúng và đủ) khi mà còn khá nhiều hộ dân không chịu đóng phí? Thống kê của Sở TN-MT cho thấy mới có 91% hộ dân nội thành đóng phí vệ sinh môi trường, trong khi đó con số này ở các quận, huyện ngoại thành là 40%. Tính chung, mới có khoảng 85% hộ dân đóng phí vệ sinh môi trường. 

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục