* Chính phủ yêu cầu: Không để tạo điểm nóng bức xúc xét tuyển đại học như năm 2015
(SGGPO). - Như tin đã đưa, thông tin năm 2016 sẽ xét tuyển ĐH-CĐ tập trung mà Bộ GD-ĐT vừa công bố đang thu hút sự chú ý của xã hội. Với thông tin này, đang có 2 luồng ý kiến tranh luận, người đồng tình, người lo lắng. Nhiều chuyên gia giáo dục đều chung nhận định: Bộ GD-ĐT công bố thông tin muộn, đường đột và chưa có gì cụ thể nên càng làm cho dư luận băn khoăn.
Không gây xáo trộn cho thí sinh thì có thể làm luôn
Trao đổi với SGGP, PGS Văn Như Cương cho biết ông ủng hộ chủ trương xét tuyển tập trung mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Theo PGS, ngay từ đầu, khi Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH xét tuyển theo nhóm và ĐH Bách khoa Hà Nội đứng ra lập nhóm xét tuyển với 11 trường tham gia ông đã không đồng tình với cách làm này. “Khi chưa xếp hạng được đại học thì chưa nên xét tuyển theo nhóm bởi sẽ diễn ra tình trạng trường tốp trên, trường tốp dưới. Vai trò tự chủ của từng trường trong nhóm cũng không rõ ràng. Chỉ khi đã có xếp hạng đại học thì Bộ GD-ĐT sẽ phải có quy định nhóm trường 1 khung điểm chuẩn bao nhiêu, nhóm 2 khung điểm chuẩn bao nhiêu”, PGS Văn Như Cương nói. Còn với tình trạng hiện nay, theo PGS xét tuyển tập trung là cách làm tối ưu nhất để tạo thuận lợi nhất cho thí sinh cũng như các trường.
Tuy nhiên, xét tuyển tập trung Bộ GD-ĐT phải tính toán để bảo đảm không gây ra tắc nghẽn mạng như sự cố năm 2015 đã gặp phải. Cùng với đó, giải quyết tốt nhất nguyện vọng của thí sinh. “Ví dụ đợt 1, thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường, vậy thì xử lý thế nào khi thí sinh đỗ cả 2 trường?. Nếu xét tuyển tập trung thì phải quân lệnh như sơn, thí sinh khi đã nhấn nút chọn nguyện vọng là khóa luôn dữ liệu, không thể đăng ký trường khác nữa. Đấy cũng là cách giúp thí sinh lựa chọn nghề nghiệp đúng sở thích nhất của mình”, PGS Văn Như Cương nói.
Tuy ủng hộ chủ trương xét tuyển tập trung nhưng PGS Văn Như Cương cũng cho rằng, việc Bộ GD-ĐT công bố phương án này là khá bất ngờ, bởi trước đó Bộ không hề có thông tin gì, lại ra sức khuyến khích các trường lập nhóm xét tuyển và thực tế như ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng đã tốn tâm sức để lập đề án. “Gần như đó là một thói quen của Bộ GD-ĐT khi có những thay đổi liên tục. Phải hết sức rút kinh nghiệm”, ông thẳng thắn nói.
Nước mắt rơi trên khuôn mặt của không ít phụ huynh lẫn thí sinh trong ngày cuối xét tuyển đợt 1 đại học năm 2015. Liệu năm nay cảnh này có tái diễn?
Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT nhận định, có thể Bộ GD-ĐT hướng đến xét tuyển tập trung vì lo ngại không quản lý được nhiều nhóm trường xét tuyển. “Đến thời điểm này, chưa thể nói gì nhiều về phương án xét tuyển tập trung của Bộ GD-ĐT bởi chưa có gì cụ thể cả. Tuy nhiên, nếu phương án của Bộ mà ít thay đổi về phía thí sinh, lại mang lại lợi ích lớn thì có thể làm luôn ngay trong mùa xét tuyển 2016. Còn nếu phương án đưa ra mà gây nhiều xáo trộn thì phải tính lại”, ông Tùng nêu quan điểm. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng nêu quan điểm, Bộ đã ban hành quy chế tuyển sinh thì không nên sửa chữa nhiều, nhất là kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đang đến rất gần. Việc sửa chữa cấp tập này rất dễ khiến cho thí sinh rối loạn, các trường không chủ động được công việc.
Nói về chủ trương xét tuyển chung, TS Lê Trường Tùng phân tích chắc chắn để thực hiện được Bộ GD-ĐT sẽ phải ban hành quy tắc chung cho các trường thực hiện. Nếu các trường tuyển sinh mà có nhiều tiêu chí riêng thì sẽ rất khó đáp ứng. Khi các trường thấy việc xét tuyển chung không đáp ứng được yêu cầu của mình thì sẽ đứng ngoài, lúc đó chủ trương của Bộ không thành công. “Để có một phần mềm xét tuyển thì không khó, nhưng vấn đề là phải thể hiện được đặc thù của các trường ra sao. Thể hiện quá nhiều thì không đáp ứng nổi, còn thể hiện ít quá thì các trường đặc thù phải sơ tuyển như công an, quân đội có thể phải đứng ngoài. Để có một phần mềm đáp ứng hết các yêu cầu của cả mấy trăm trường đại học là không dễ dàng và thời gian vài tháng để chuẩn bị có thể không kịp”, ông Tùng lo ngại.
Cần làm rõ tham gia tự nguyện hay bắt buộc
Một vấn đề hiện nay mà nhiều ý kiến yêu cầu cần làm rõ là việc tham gia xét tuyển tập trung, các trường sẽ trên tinh thần tự nguyện hay bắt buộc. Ông Lê Trường Tùng dự đoán, phần mềm tuyển sinh tập trung nếu Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự nguyện thì nhiều trường sẽ không tham gia vì có thể không đáp ứng được yêu cầu của họ. “Hiện nay Bộ mới công bố chủ trương, chưa công bố phương án cụ thể nên hầu hết các trường đang có tâm lý đợi phần mềm của bộ. “Bộ cũng cần rút kinh nghiệm tại thời điểm này, đã công bố thì phải công bố phương án cụ thể luôn, chủ trương cũng phải nhất quán từ đầu, lấy ý kiến các trường”, ông Tùng thẳng thắn.
Tâm lý chung của nhiều trường hiện nay là nếu Bộ GD-ĐT tự tin làm tốt phần mềm tuyển sinh chung thì quá tốt, vì các trường sẽ rất “nhàn”, vấn đề là Bộ có làm nổi không. Theo PGS.TS Lê Hữu Lập (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), cần nói rõ việc xét tuyển chung có bắt buộc hay không. Nếu là bắt buộc, phải đưa vào quy chế tuyển sinh. Nếu không bắt buộc thì có hướng dẫn, các trường sẽ tự nguyện, tự thấy được lợi ích tốt thì họ sẽ đăng ký.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng chủ trương của Bộ GD-ĐT là mở rộng nhóm GX (nhóm xét tuyển do ĐB Bách khoa Hà Nội chủ trì) ra toàn quốc là tốt nhưng cần phải chú ý đến các giải pháp. “Không phải tất cả các trường ĐH-CĐ trên cả nước sẽ tham gia. Các trường phải đăng ký tham gia trên cơ sở tự nguyện. Trường nào muốn xét tuyển riêng thì phải do quyền tự chủ riêng của các trường. Không thể bắt các trường tham gia, bởi có trường xét tuyển theo học bạ, và có trường kết hợp xét học bạ và phương thức khác”- ông Sơn nêu quan điểm. Theo ông Sơn, xét tuyển tập trung phải có những quy tắc chung nhất định và Bộ GD-ĐT cần sớm công bố.
|
PHAN THẢO