Nhóm ngành kinh tế - xã hội: Nhu cầu nguồn nhân lực luôn ở mức cao

Học các ngành kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn chủ yếu là học thuộc lòng, không cần tư duy nhiều và ra trường khó tìm việc làm... Đó là những băn khoăn mà bạn đọc gửi đến các chuyên gia trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sức hút của nhóm ngành kinh tế - xã hội” do Báo SGGP tổ chức ngày 10-7.

Nhiều cơ hội việc làm

Trước băn khoăn của thí sinh Nguyễn Thị Minh Trang (TPHCM) về việc “Bạn bè em thường nói học dở các môn tự nhiên mới chọn ngành xã hội. Nhưng em thấy nhiều trường giờ tuyển sinh có cả tổ hợp thuộc khoa học tự nhiên, ngoại ngữ. Vậy suy nghĩ này có thật sự đúng không?”, ThS Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh (Trường ĐH Công nghệ TPHCM), chia sẻ: Với sự đa dạng về phương thức xét tuyển cũng như tổ hợp môn xét tuyển như hiện nay, thí sinh sẽ có nhiều sự lựa chọn, nhiều cơ hội để theo học ngành mơ ước. Thực tế, nhiều sinh viên chọn ngành xã hội vì đam mê và mong muốn hiểu biết sâu sắc về con người và xã hội. Nhiều ngành xã hội hiện nay yêu cầu kiến thức từ khoa học tự nhiên và ngoại ngữ. Ví dụ, ngành tâm lý học, quản trị nhân sự... có thể liên quan đến các yếu tố khoa học và kỹ thuật. Do đó, điều quan trọng hơn cả là sự đam mê và phù hợp với bản thân. Nếu em yêu thích một lĩnh vực nào đó, em sẽ có động lực để học hỏi và phát triển, bất kể đó là ngành tự nhiên hay xã hội thì cơ hội thăng tiến nghề nghiệp trong tương lai sẽ luôn rộng mở.

K1a.jpg
Đại diện các trường trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo SGGP. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đối với câu hỏi về nhu cầu nhân lực với nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn của thí sinh Đỗ Thị Kim Oanh (Đồng Nai), Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến Trần Thị Như Quỳnh thông tin, nhà trường hiện đẩy mạnh mô hình gắn kết doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia vào thiết kế chương trình đào tạo, ngay từ năm nhất cho sinh viên kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp đối tác, các đồ án - dự án thật có doanh nghiệp đồng hành bảo trợ. Do đó, sinh viên sẽ được doanh nghiệp lựa chọn và cơ hội tuyển dụng sau khi tốt nghiệp luôn rất cao.

Các chuyên gia cũng thông tin, việc hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp được các trường mở rộng và tăng cường. Do đó, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội được tham gia các chương trình thực tập, làm việc và học tập tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và nước ngoài.

Đa dạng chính sách học bổng, hỗ trợ sinh viên

Giải đáp câu hỏi về những chính sách học bổng, ưu tiên cho thí sinh diện khó khăn khi đăng ký vào các ngành khoa học xã hội và kinh tế của thí sinh Vũ Thanh Hà (Đồng Nai), bà Nguyễn Thị Hoàng Nga, Phụ trách Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: Hiện nay tất cả các ngành học của nhà trường đều có chính sách học bổng và hỗ trợ sinh viên thuộc diện chính sách, khó khăn đều như nhau. Đặc biệt, trong năm 2025 nhà trường dành đến 50 tỷ đồng hỗ trợ tân sinh viên. Trong đó, 2.000 học bổng trị giá 17 triệu đồng/suất/sinh viên nhập học trước ngày 15-9. Bên cạnh đó nhà trường còn trao học bổng trị giá 50%-100% học phí toàn khóa cho sinh viên tuyển thẳng. Riêng thí sinh diện khó khăn, nhà trường tặng suất học bổng trị giá 30%-50% học phí toàn khóa và học bổng nữ sinh dành cho sinh viên nữ theo học các ngành công nghệ - kỹ thuật.

K4b.jpg
Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM trong giờ học nhóm

Theo ThS Huỳnh Vũ Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM), năm 2025 nhà trường có những chính sách học bổng về: tuyển sinh, doanh nghiệp, tài năng, giáo dục, gia đình. Nếu trường hợp khó khăn, sinh viên có thể xin gia hạn học phí thành 2 lần đóng trong 1 học kỳ hoặc xin giấy xác nhận sinh viên để vay vốn. Ngoài ra, bất cứ sinh viên nào có khó khăn về tài chính có thể “gõ cửa” phòng công tác sinh viên của nhà trường sẽ được xem xét và hỗ trợ.

Thông tin thêm về các chính sách hỗ trợ sinh viên sau khi tốt nghiệp, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM), cho biết: Nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp sẽ rất lớn để đáp ứng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM mới. Do đó, không chỉ địa phương mà doanh nghiệp, trường đại học cũng đẩy mạnh liên kết trong hợp tác đào tạo, hỗ trợ người học thông qua nhiều chính sách, chương trình học bổng để hỗ trợ người học. Vấn đề còn lại là bản thân sinh viên phải nâng cao ý thức học tập, kiến thức công nghệ, rèn luyện kỹ năng, nhất là ngoại ngữ để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của thị trường lao động.

Theo ThS Nguyễn Vũ Hoàng, không nhất thiết học ngành nào sẽ làm nghề đó vì thế giới nghề nghiệp ngày nay rất linh hoạt. Nhiều người chuyển đổi nghề nghiệp sau khi ra trường hoặc trong quá trình làm việc. Họ có thể học thêm, tham gia khóa đào tạo hoặc tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực mới. Đôi khi sở thích và đam mê của cá nhân có thể khác với ngành học. Điều này có thể dẫn đến việc theo đuổi một lĩnh vực hoàn toàn khác nhưng vẫn thành công.

Thị trường lao động luôn thay đổi và nhu cầu về các kỹ năng, nghề nghiệp mới có thể xuất hiện, mở ra cơ hội cho những người không làm việc đúng ngành học của mình. Dù việc chọn học ngành và làm việc trong ngành đó có thể là một con đường truyền thống nhưng không phải là điều bắt buộc. Điều quan trọng là tìm ra đam mê và khả năng của bản thân, cũng như sẵn sàng học hỏi và thích nghi với những thay đổi trong sự nghiệp.

Tin cùng chuyên mục