
Lịch làm việc đầu năm của tân Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phản ánh những ưu tiên quan tâm của ông. Tuy nhiên, ở bề sâu chương trình nghị sự lâu dài, Ban Ki-moon còn đối mặt với bộn bề thách thức...
- Ngổn ngang khó khăn

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Một núi công việc nổi cộm đang chờ Ban Ki-moon. Vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên và Iran; tình hình Darfur (Sudan); tình trạng bạo lực Trung Đông; sự đe dọa thiên tai; vấn đề khủng bố quốc tế; việc giải trừ vũ khí giết người hàng loạt; sự lan rộng HIV/AIDS và cả nhiều bất ổn trong nội bộ LHQ (loạt vụ tham nhũng và xìcăngđan tình dục của lính mũ nồi xanh)… Tất cả đều là những vấn đề “xương xẩu”.
Chẳng dễ dàng gì lãnh đạo một tổ chức toàn cầu với 9.000 nhân viên cùng ngân sách hàng năm 5 tỉ USD với nhiệm vụ bao quát nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, y tế, gìn giữ hòa bình đến các chương trình hỗ trợ khẩn cấp. Sau 34 năm người châu Á mới lại được giữ vị trí Tổng thư ký LHQ, sau ông U Thant (Miến Điện) với nhiệm kỳ 1961-1971.
William H. Luers - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Kỳ-LHQ (United Nations Association of the United States of America); nguyên đại sứ Mỹ tại Tiệp Khắc và Venezuela - nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ hàng đầu cho tân Tổng thư ký LHQ là hàn gắn rạn nứt giữa các nước phát triển và các quốc gia đang phát triển mà điều này gần như luôn xảy ra trong LHQ. Đến nay, G-77 (Group of 77, gồm 132 quốc gia đang phát triển) vẫn “cắn đắng” với các nước phát triển, bất chấp sự khác biệt giữa họ trong các quan tâm và những ảnh hưởng quyền lợi từ kinh tế và chính trị khu vực.
Ấn Độ, Ai Cập, Pakistan, Nam Phi và Brazil đang đóng vai trò tăng dần trong các vấn đề an ninh-kinh tế toàn cầu và do đó họ muốn có nhiều quyền quyết định hơn trong LHQ. Từng có không ít trận chiến không khói súng trong chiến dịch yêu cầu mở rộng thành viên thường trực.
Trong vài trường hợp, G-77 dùng sức mạnh tổng hợp 132 phiếu để tạo tiếng nói lớn hơn trong Đại hội đồng 192 thành viên. Họ muốn LHQ chi tiền hơn cho các vấn đề phát triển; họ nhìn vấn đề khủng bố không nghiêm trọng bằng Mỹ và phương Tây; họ muốn có ảnh hưởng nhiều hơn trong nghị trình cải tổ LHQ...
Vấn đề ngân sách LHQ có thể được nêu như một ví dụ thể hiện sự căng thẳng trên. Tháng 12-2005, một “liên minh” do Mỹ cầm trịch tuyên bố áp dụng chương trình cắt tài trợ 6 tháng nhằm gây sức ép yêu cầu LHQ cải tổ nhưng G-77 phản đối quyết liệt. Đó là chưa kể các xung đột cơm bữa trong hành xử giữa ngũ đại gia thường trực, đơn cử quan điểm đối lập giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề CHDCND Triều Tiên hoặc Iran.
- Di sản Kofi Annan
Trước khi đến Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi ở Addis Ababa (Ethiopia) vào hạ tuần tháng 1-2007, Ban Ki-moon cho biết một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ông là thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà người tiền nhiệm Kofi Annan từng đặt ra (xóa đói toàn cầu và nâng ngân sách trợ cấp nước nghèo lên 0,7% GDP thế giới trước năm 2015).
Không chỉ vấn đề xóa nghèo toàn cầu, Kofi Annan còn để lại nhiều nhiệm vụ nặng nề dang dở khác, trong đó có chương trình gìn giữ hòa bình quốc tế – một trong những hoạt động chính và khó khăn nhất của lịch sử LHQ. T
he Economist (4-1-2007) cho biết lực lượng mũ nồi xanh LHQ đã tăng gấp 6 kể từ 1998 và hiện có khoảng 74.000 lính LHQ đang làm việc tại 18 địa điểm khác nhau với vài trọng tâm chủ yếu chẳng hạn Congo, Liberia và Sudan - nơi chứng kiến cuộc xung đột nhì nhằng bốn năm với hơn 200.000 người chết (theo kế hoạch ba bước, lực lượng quốc tế tại Sudan sẽ gồm 17.000 lính và 3.000 cảnh sát).
Tuy nhiên, không phải điểm nóng xung đột nào cũng muốn thấy sự hiện diện lực lượng mũ nồi xanh. Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, đến trung tuần tháng 1-2007, vẫn kiên quyết phản đối lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ (cho rằng họ là đại diện của “bọn thực dân”).
Một trong những di sản khổng lồ khác từ thời Kofi Annan là vấn đề cải tổ LHQ trong đó có việc mở rộng Hội đồng bảo an (UNSC) – từ 15 lên 24 thành viên cũng như tăng số thành viên thường trực nhiều hơn 5 như hiện tại.
Tại Đại hội đồng LHQ vào tháng 9-2004, 113 trong 191 thành viên đã ủng hộ lộ trình mở rộng UNSC, với hai ý tưởng chính: 1/ Bổ sung ba thành viên không thường trực và 6 thành viên thường trực vào UNSC nhưng không được quyền phủ quyết; 6 thành viên mới có thể là Nhật, Đức, Ý, Ấn Độ, Brazil và một nước Trung Đông hoặc châu Phi chẳng hạn Ai Cập. 2/ Bổ sung 8 thành viên bán thường trực làm việc trong nhiệm kỳ 4-5 năm và một thành viên không thường trực. Cả hai đề xuất đều tăng số thành viên UNSC từ 15 lên 24 nhưng không tăng số phiếu (có quyền) phủ quyết...
Tân Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon bắt đầu tăng tốc chương trình làm việc. Thứ ba, 16-1-2007, ông gặp Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Nhà trắng; ngày 29 và 30-1, ông dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi tại Addis Ababa (Ethiopia) với chủ đề liên quan các điểm nóng Sudan, Somalia và Congo; trước đó, ngày 25-1, ông ghé qua Paris dự hội thảo các nhà tài trợ quốc tế (tập trung vào chương trình tái thiết Lebanon)... |
Bức xúc về việc đặt thêm ghế cạnh 15 ghế thành viên UNSC thật ra từng được đề cập cách đây gần 10 năm, khi một tiểu ban phác thảo bộ mặt mới cho UNSC được thành lập nhưng hầu hết đề xuất đều không được xét (thay đổi cơ cấu UNSC cần sự chuẩn thuận 2/3 trong 191 thành viên LHQ và tất nhiên không có phiếu phủ quyết của một trong 5 vị thành viên thường trực).
Trong khi đó, việc mở rộng UNSC bây giờ còn đối mặt nhiều phản đối công khai: Nga không đồng ý Iran (vào UNSC); Trung Quốc không muốn có Nhật; Ấn Độ không muốn thấy Pakistan và ngược lại…
Với một lý lịch đậm yếu tố ngoại giao quốc tế, Ban Ki-moon hẳn nhiên xứng đáng giữ vị trí cầm trịch một tổ chức đầu não thế giới nhưng ông có xử lý suôn sẻ và hoàn thành được những tham vọng đề ra hay không thì còn cần nhiều thời gian để chứng minh…
MẠNH KIM
Nơi ở của tổng thư ký LHQ được nâng cấp Washington Post cho biết, thượng tuần tháng 12-2006, Chính phủ Mỹ cùng một số thành viên LHQ khác đã chuẩn y việc nâng cấp nơi ở của tổng thư ký LHQ với ngân sách 4,9 triệu USD trong đó có 2,1 triệu USD cho hệ thống sưởi cùng hệ thống máy lạnh và 200.000 USD cho nhà bếp. Việc nâng cấp khu nhà dành riêng cho tổng thư ký LHQ là cần thiết bởi căn nhà theo kiến trúc tân-Georgia 85 năm đã xuống cấp trầm trọng. Điện bị mất thường xuyên, hệ thống ống nước rỉ khắp nơi, thang máy chập chờn và nhà bếp có thể “gây hỏa hoạn bất cứ lúc nào” – theo bản tường trình của LHQ. Kiến trúc Sutton Place 1.300 m2 được xây cho Anne Morgan – ái nữ của nhà tài phiệt New York J. P. Morgan. Năm 1972, Sutton Place được tặng cho LHQ và sử dụng làm nơi ở cho tất cả tổng thư ký LHQ kể từ thời tổng thư ký Kurt Waldheim. Nó cũng là nơi gặp gỡ của các vị nguyên thủ, vua, thủ tướng và ngoại trưởng (Ban Ki-moon sẽ ở tạm trong một khách sạn trong ít nhất 9 tháng cho đến khi Sutton Place được nâng cấp xong). Cần nói thêm, khi Washington quyết định trùng tu nhà ở cho Ban Ki-moon, cái giá được “thương lượng” ở đây là (sức ép) yêu cầu Ban Ki-moon bổ nhiệm B. Lynn Pascoe (63 tuổi, đại sứ Mỹ tại Indonesia) giữ ghế chánh bộ phận chính trị LHQ (nơi chịu trách nhiệm hoạch định chính sách đối ngoại cho toàn bộ vấn đề chính trị toàn cầu). Nếu được chuẩn y, Pascoe là người Mỹ đầu tiên ngồi ghế này kể từ thời Chiến tranh lạnh. |