
Còn nhớ, hồi chứng khoán nở rộ, một nhà đầu tư (NĐT) tại sàn HSC nói với tôi: “Hơn bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào, thông tin chứng khoán là vàng. Ai nắm thông tin trước và có được thông tin chính xác thì người đó thắng”. Chính vì vậy, nhiều khi NĐT hoặc các tổ chức đầu tư chứng khoán sử dụng thông tin như một “vũ khí”. Trước nhiều nguồn thông tin, NĐT thiếu bản lĩnh, nhẹ dạ rất dễ “chết”.
“Vàng” và “gỉ sắt”

Thông tin chứng khoán cực kỳ quan trọng nhưng NĐT phải biết chọn lọc. Ảnh: THÙY VY
23 giờ đêm, chuông điện thoại đổ, tôi vừa nhấc máy, đầu dây bên kia, người bạn là NĐT chứng khoán hỏi ngay: “Ông thấy sao về chuyện Ngân hàng H. và Tập đoàn M. đánh giá VN-Index sẽ giảm mạnh vào cuối năm?”. “Thì tôi đã nói với ông rồi, đâu phải chỉ riêng thông tin của M. và H. mà từ trước tới giờ, một số người muốn thao túng thị trường, muốn “làm giá” cũng tung tin “phà phà” như vậy. Vấn đề là trong mớ thông tin đó ông phải phân biệt đâu là thông tin “vàng” và đâu là “gỉ sắt” chứ?”, tôi trả lời.
Thông tin của anh bạn nêu trên nói về việc Ngân hàng H. công bố bảng báo cáo dự đoán chỉ số VN-Index vào những tháng cuối năm 2007 có thể xuống 900 điểm. Mới đây, tập đoàn tài chính nổi tiếng thế giới M. lại dự đoán chỉ số VN-Index có thể xuống rất thấp. Mặc dù những thông tin của 2 tổ chức trên chỉ dành riêng cho khách hàng của họ và mang tính tham khảo nhưng sau khi H. loan tin thì chỉ số VN-Index ngay lập tức từ 1.024,68 điểm tụt xuống còn 977,3 điểm vào ngày 2-7-2007, rồi “ì ạch” nhích lên trên 1.000 điểm. Sau đó, M. công bố tiếp bản báo cáo thì VN-Index lại “rớt” xuống dưới 1.000 điểm và hiện cầm cự ở mức điểm này.
Một số NĐT tại sàn SSI đặt nghi vấn: Phải chăng có dấu hiệu lũng đoạn thị trường? Điều này không thể kết luận nhưng việc một số tổ chức công bố những thông tin thiếu lạc quan như vậy sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của NĐT vì hiện nay, phần lớn NĐT Việt Nam vẫn còn theo tâm lý “bầy đàn”.
Bản lĩnh trước thông tin đa chiều
Anh Khải – một NĐT Việt kiều, nói: “Tôi đã quan sát nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới và thấy thị trường chứng khoán của mình “không giống ai”. Bằng chứng là những ngày các thị trường chứng khoán của New York, Hồng Công, London… đều “xanh” thì ở ta lại “đỏ rực”. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán của Việt Nam và thế giới không có tác động qua lại. Chính vì vậy mà chuyện thao túng thông tin thị trường chứng khoán dễ xảy ra. Còn nếu thị trường chứng khoán Việt Nam có liên hệ với thị trường chứng khoán thế giới thì NĐT trong nước nên xem những thông tin ấy là kênh tham khảo để có hướng đầu tư mới”.
Đầu năm 2007, có nhiều NĐT nước ngoài than phiền thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, bất cập, có khả năng họ sẽ bỏ thị trường, thế nhưng sau đó người ta lại thấy khối lượng mua cổ phiếu (CP) của NĐT nước ngoài ào ào tăng lên. Cụ thể, những ngày đầu tháng 7-2007, chỉ số VN-Index tụt dưới 1.000 điểm nhưng NĐT nước ngoài vẫn mua vào số lượng lớn CP, có ngày tổng khối lượng CP mua vào của NĐT nước ngoài chiếm gần 2/3 toàn thị trường, trong khi đó họ chỉ bán ra “nhỏ giọt”.
Một hiện tượng “làm ngược” là khi H. và M. công bố những thông tin không lạc quan, NĐT trong nước bán tháo CP thì hàng trăm NĐT Nhật Bản lại vào Việt Nam mở tài khoản để đầu tư chứng khoán. Được biết, số tài khoản của NĐT Nhật Bản có thể lên đến con số 100.000. NĐT Nhật Bản cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn họ bởi với GDP 6 tháng đầu năm 2007 đạt con số khá ấn tượng (7,87%) và “một tương lai sáng sủa” không có lý do gì chứng khoán của Việt Nam lại đi xuống.
Một chuyên gia chứng khoán cho rằng: “Do thị trường chứng khoán của Việt Nam còn quá mới mẻ, nhiều NĐT chưa thật sự am hiểu, thiếu kiến thức nên chưa đủ tầm để chọn lọc thông tin. Theo tôi, biết đánh giá và phân tích thông tin đa chiều chính là bản lĩnh của NĐT trong cuộc chơi hiện nay”.
MẠC KỲ