Trong một studio ở TP Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ, một nghệ sĩ saxophone Ba Lan đang cùng hòa tấu với tay trống Cuba. Gần đó là hai nhạc sĩ-ca sĩ, một đến từ Kenya và một đến từ Đan Mạch đang cùng sáng tác một ca khúc mới. Ở căn phòng kế bên, tay chơi đàn oud người Lebanon và nữ nghệ sĩ Hàn Quốc chơi nhạc cụ truyền thống nước mình cũng đang tập song ca... Họ là các nghệ sĩ thuộc nhóm OneBeat có tất cả 32 nghệ sĩ đến từ 21 quốc gia thuộc cả 5 châu lục.
Dự án OneBeat với chi phí 1,25 triệu USD là sáng kiến của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bà Ann Stock, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề giáo dục - văn hóa cho biết đây là một thử nghiệm hiệu quả về ngoại giao văn hóa, nhằm mục đích xây dựng mối liên kết giữa “những nhà sáng tạo trẻ với các lãnh đạo thế giới trong tương lai”. Mối quan hệ này không chỉ gắn kết trong âm nhạc mà còn là bước khởi đầu cho những hợp tác sau này. Hơn 900 nghệ sĩ đến từ 40 nước, tuổi từ 19 đến 35 đã nộp đơn tham gia vào OneBeat. Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng họ đều là những người thấm nhuần vào xương máu văn hóa truyền thống của nước mình.
Aditi Bhagwat, một ca sĩ kiêm chơi nhạc cụ gõ đồng thời là một vũ công đến từ Mumbai cho biết trong ban nhạc quốc tế này không có giới hạn của văn hóa, mọi người được tự do thử nghiệm những gì mình thích. Ví dụ như một giai điệu mà cô và nhóm vừa nghĩ ra nếu ở Ấn Độ có thể bị xem là kỳ quặc. Ngoài ra, những nghệ sĩ của OneBeat sẽ kết hợp với nhau theo một kết nối nào đấy, chẳng hạn như mối quan hệ giữa âm nhạc dân gian của Ảrập - Ấn Độ, hay hai thể loại nhạc jazz - pop, hoặc cũng có thể là ngẫu hứng nếu các thành viên cùng cảm thấy “phiêu” về một giai điệu nào đấy.
32 nghệ sĩ tài hoa của OneBeat sẽ bắt đầu chuyến lưu diễn của mình từ TP Orlando bang Florida và lần lượt đi nhiều nơi quanh nước Mỹ, sau đó dừng tại điểm cuối cùng là quận Brooklyn của New York năng động. Có nhiều người trong số họ chưa bao giờ đặt chân đến nước Mỹ, chưa bao giờ ra khỏi đất nước mình và thậm chí là chưa bao giờ được ngồi máy bay nhưng dường như niềm đam mê nghệ thuật và khát khao cống hiến cùng với tình hữu nghị quốc tế trong sáng đã khiến họ trở nên rất gắn bó và ăn ý với nhau dù chỉ sau một thời gian ngắn tập luyện cùng nhau.
Trong ban nhạc quốc tế này cũng có nhiều người hoạt động xã hội nhiều hơn âm nhạc. Chẳng hạn như Hélio Vanimal là một nhạc sĩ Mozambique, người thường đi đến những làng quê xa xôi để hát rap tuyên truyền về AIDS và phát triển nông nghiệp. Nên đa phần họ cũng cùng sáng tác về âm nhạc đời sống chứ không chỉ là hàn lâm.
Chị Kyungso Park, nghệ sĩ chơi đàn tranh (truyền thống của Hàn Quốc) chia sẻ: “Đi du lịch vòng quanh thế giới, ngồi nghe tất cả các buổi trình diễn nhạc dân tộc ở mỗi nước có lẽ cũng chỉ mang lại cho tôi trải nghiệm và sự sáng tạo như ở OneBeat”. Sri Joko Raharjo, giảng viên âm nhạc 29 tuổi, chuyên dạy về dàn nhạc cụ truyền thống gameland của Indonesia, cho biết: “Từ thời cụ cố cố nội tôi, gia đình đã theo con đường âm nhạc. Khi đến đây, trước sự mới lạ của các đồng nghiệp giúp làm phong phú thêm văn hóa âm nhạc của riêng tôi”
Thanh Hải