Trụ vững trong khủng hoảng

Báo cáo hàng năm của Artprice, công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp thông tin về thị trường nghệ thuật, vừa công bố cho thấy thị trường nghệ thuật đương đại toàn cầu vẫn trụ vững bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế.
Trụ vững trong khủng hoảng

Báo cáo hàng năm của Artprice, công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp thông tin về thị trường nghệ thuật, vừa công bố cho thấy thị trường nghệ thuật đương đại toàn cầu vẫn trụ vững bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế.

Tranh nghệ thuật đương đại luôn thu hút đông đảo người xem
Tranh nghệ thuật đương đại luôn thu hút đông đảo người xem

Theo báo cáo, doanh thu từ các cuộc bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật trong một năm qua (tính từ tháng 6-2011) giảm 6% xuống còn 860 triệu EUR (tương đương 1,1 tỷ USD), so với 915 triệu EUR cách đó một năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này không đáng lo ngại vì con số này vẫn đứng ở vị trí kỷ lục cao thứ ba trong lịch sử thị trường nghệ thuật đương đại. Châu Á là thị trường “nóng” nhất, chiếm 43% doanh thu toàn cầu, trong khi châu Âu chiếm chưa đến 30%.

Một năm qua, khoảng 662 tác phẩm nghệ thuật đương đại được bán với giá hơn 100.000 EUR/tác phẩm ở châu Á, so với chỉ 382 tác phẩm ở Mỹ và 324 tác phẩm ở châu Âu. Trung Quốc đã nhảy từ vị trí thứ ba cách đây một năm lên vị trí thứ nhất trong danh sách, chiếm 38,8% tổng doanh thu từ các cuộc bán đấu giá toàn cầu. Mỹ là thị trường “nóng” thứ hai - chiếm 26,1%, tiếp đến là Anh (22,6%). Pháp đứng ở vị trí thứ tư với tỷ lệ 2,5%. Thị trường nghệ thuật đương đại đạt doanh số bán cao nhất trong thời gian từ năm 2007-2008 với doanh thu lên tới 977 triệu EUR.

Ước tính trên thế giới hiện có gần 50 triệu nhà sưu tập tranh lớn, nhỏ. Trước đây chỉ có dân châu Âu, châu Mỹ mua tranh, nay thì dân châu Á, người Ảrập, và cả vùng Nam châu Phi cũng rất đông người chơi tranh, mua tranh. Trong số 500 nghệ sĩ đương đại có tác phẩm bán chạy hàng đầu những năm gần đây, ngoài 4 tên tuổi lừng danh của phương Tây là Jeff Koons, Jean-Michel Basquiat, Damien Hirst và Richard Prince, phần còn lại phần lớn đến từ châu Á.

Nếu như trước đây, một số nhà đấu giá châu Âu đã chi phối thị trường này trong nhiều thế kỷ thì trong vài năm gần đây, thế hệ mới các nhà sưu tập ở 2 TP Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Quốc đã vươn lên tuyến đầu của thị trường đấu giá.

Trong số 20 họa sĩ đương đại ăn khách hàng đầu thế giới hiện nay có 13 nghệ sĩ châu Á, còn trong 10 tên tuổi bán được nhiều tác phẩm mỹ thuật nhất ở các cuộc đấu giá, châu Á có 6, với 5 nghệ sĩ là người Trung Quốc. Đây rõ ràng là một sự thay đổi lớn, bởi thị trường nghệ thuật thế giới đã nằm trong sự thống trị của các tên tuổi đến từ châu Âu suốt 500 năm.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục