Hội họa thời kỹ thuật số

Không mùi dầu thông, không cọ vẽ, không hộp màu. Chỉ một chiếc bàn, chiếc Macbook và chiếc máy in Epson Stylus Pro 11880 cỡ đại. Không một ai có thể tưởng tượng được rằng đó lại là không gian sáng tác của một họa sĩ.
Hội họa thời kỹ thuật số

Không mùi dầu thông, không cọ vẽ, không hộp màu. Chỉ một chiếc bàn, chiếc Macbook và chiếc máy in Epson Stylus Pro 11880 cỡ đại. Không một ai có thể tưởng tượng được rằng đó lại là không gian sáng tác của một họa sĩ. 

Một tác phẩm hội họa của Wade Guyton.

Một tác phẩm hội họa của Wade Guyton.

“Tôi không hề hứng thú với vẽ vời và các lớp nghệ thuật. Xem tivi và chơi game là sở thích của tôi”, Wade Guyton mở đầu câu chuyện về việc theo đuổi hội họa trong khi chiếc máy in Epson vẫn đều đều in những họa tiết trên tấm vải lanh được Guyton nhập từ Pháp. Cùng với like Kelley Walker (người bạn mà Guyton thường xuyên cộng tác), Seth Price và Tauba Auerbach, họa sĩ 40 tuổi đến từ Tennessee (Mỹ) là đại diện cho thế hệ họa sĩ thuộc trường phái trừu tượng áp dụng công nghệ hiện đại để sáng tác. Theo Scott Rothkopf, người phụ trách Bảo tàng nghệ thuật Whitney của Mỹ, Guyton đã cho thấy cách làm việc với công nghệ mà không hề cảm thấy khó khăn, khô khan; thay vào đó là trực quan sinh động.

Guyton nhớ lại người cha dượng của mình, một thợ sơn làm việc tại nhà máy sản xuất thép ở Tennessee, đã phải vất vả thế nào khi làm giùm đứa con trai học phổ thông bài tập về nhà về hội họa. “Tôi không thể kiên nhẫn và hứng thú với cọ vẽ và hộp màu”, Guyton nói. Tuy nhiên, cái nhìn về hội họa của Guyton thay đổi khi anh bước chân vào Trường Đại học Tennessee, nơi anh có những người bạn học về chuyên ngành nghệ thuật. “Nghệ thuật đã mê hoặc tôi”, Guyton cho biết. Sau khi làm việc tại một cửa hàng sách, Guyton có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với nghệ thuật khi anh được nhận làm bảo vệ tại Quỹ nghệ thuật Dia ở Chelsea. Ở đây, anh thường xuyên được gặp gỡ những nghệ sĩ nổi tiếng như Dan Graham, Roni Horn, Douglas Gordon, Nate Lowman.

Quá trình làm việc và tiếp xúc với các nghệ sĩ càng thôi thúc Guyton khát khao được sống với nghệ thuật. Mặc dù vậy, vẫn như ngày còn bé, Guyton không thể kiên nhẫn được với việc phải mất nhiều giờ đồng hồ vẽ tranh với cọ và màu. Rồi anh nhận thấy rằng việc sáng tác sẽ trở nên đơn giản hơn với máy tính. Guyton có thể phác thảo mọi ý tưởng, phối màu… bằng máy tính. Không vừa ý, có thể chỉnh sửa lại một cách đơn giản. Công nghệ hiện đại đã giúp Guyton giải quyết được chướng ngại vật duy nhất trên con đường đến với nghệ thuật của anh.

Gần 10 năm trước, Guyton là cái tên không mấy ai biết đến. Giờ đây, nhiều tác phẩm của anh được giới thiệu tại Friedrich Petzel, một gallery nổi tiếng tại Chelsea. Nhiều tác phẩm của Guyton còn lọt vào các bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York, Bảo tàng Nghệ thuật ở San Francisco và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại ở Los Angeles. Sắp tới, Bảo tàng Nghệ thuật Whitney sẽ tổ chức buổi triển lãm các tác phẩm của Guyton với tên gọi mang đậm tính công nghệ: Wade Guyton OS (OS là hệ điều hành).

Đỗ Cao

Tin cùng chuyên mục