Bản quyền truyền hình Asiad - “Món ăn tinh thần” đắt đỏ

Sự đắt đỏ không nằm ở giá chào bán, mà ở khía cạnh các nhà đài Việt Nam đã quen với chuyện mua sóng độc quyền, sở hữu các bản quyền dài hạn để “bán sóng” nên gần như không tồn tại yếu tố chia sẻ. Vai trò của các tổ chức liên kết thương mại giữa các đài, kênh sóng ở Việt Nam vô cùng mờ nhạt.

Hôm nay 23-9, Đại hội thể thao châu Á 2022 (Asiad 19) chính thức khai mạc, mở màn 2 tuần lễ tranh tài sôi động của thể thao đỉnh cao châu lục tại kỳ Á vận hội có quy mô lớn nhất lịch sử.

Nếu không có bất ngờ phút chót, chắc chắn người hâm mộ thể thao Việt Nam sẽ không được xem truyền hình trực tiếp các cuộc thi đấu trong 35 môn của đoàn thể thao nước nhà với không ít niềm hy vọng giành huy chương.

Đó thực sự là điều rất đáng tiếc, dù với bất cứ nguyên nhân gì. Asiad là đại hội thể thao 4 năm diễn ra một lần, có khả năng đánh giá toàn diện nhất, cung cấp được cái nhìn chân thực nhất về nội lực của thể thao Việt Nam cho người hâm mộ.

Các cuộc thi đấu ở Asiad có tính cạnh tranh cao và cũng chứa đựng nhiều sự hấp dẫn bởi khả năng tranh chấp huy chương của VĐV Việt Nam. Nói cách khác, Asiad có đủ yếu tố “hiếm có” và “bùng nổ” vốn là đặc tính quan trọng thu hút người xem truyền hình.

Vậy nhưng, dù gần như không thiếu bất kỳ bản quyền phát sóng các sự kiện thể thao quốc tế nào, thực tế sẽ không có đài truyền hình nào ở Việt Nam sở hữu bản quyền Asiad lần này. Như vậy, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, tính từ Asiad Busan năm 2002, người hâm mộ Việt Nam không thể xem được một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Cũng vì thế, cần phải nhìn nhận sự việc này không đơn thuần chỉ là “bỏ lỡ” một show truyền hình, mà còn có nhiều vấn đề cần đặt ra một cách nghiêm túc.

Đầu tiên là yếu tố giá cả. Các thông tin không chính thức cho biết, bản quyền trọn gói Asiad 19 chào Việt Nam vào khoảng 7 triệu USD, đã giảm gần một nửa so với mức ban đầu. Con số này rất đắt đỏ, nhưng không hẳn là bất hợp lý, bởi đây là một sự kiện thể thao lớn nhất châu lục, có sự góp mặt của hàng trăm nhà vô địch Olympic, nhà vô địch thế giới cũng như có rất nhiều môn thi đấu hấp dẫn, tính cả môn bóng đá.

Sự đắt đỏ không nằm ở giá chào bán, mà ở khía cạnh các nhà đài Việt Nam đã quen với chuyện mua sóng độc quyền, sở hữu các bản quyền dài hạn để “bán sóng” nên gần như không tồn tại yếu tố chia sẻ. Vai trò của các tổ chức liên kết thương mại giữa các đài, kênh sóng ở Việt Nam vô cùng mờ nhạt.

Vì không quen với chuyện “mua chung”, bỏ qua lợi ích doanh thu cục bộ, nên rõ ràng con số 7 triệu USD đối với bất kỳ nhà đài nào ở Việt Nam cũng là quá lớn, tính toán kiểu gì cũng không hiệu quả, trừ khi có đơn vị bảo trợ tài chính như hồi Asiad 2018.

Bên cạnh đó, việc mua bản quyền tràn lan, gần như sự kiện, giải đấu quốc tế nào cũng có, khiến thị trường bản quyền của Việt Nam dễ bị “định giá ảo”. Đối tác nước ngoài tin rằng chúng ta đang có một lượng người “khủng” và đa dạng, nhất là với dân số hơn 100 triệu người cùng tỷ lệ lớn người tiêu dùng trẻ.

Đồng thời, sự nở rộ gần như không thể kiểm soát, ngăn chặn của các trang web lậu phát trực tuyến tất tần tật các môn thể thao, lại càng khiến những đánh giá, nhận định về thị trường truyền hình Việt Nam thêm phần méo mó.

Hiểu theo một cách nào đó, mức giá 7 triệu USD cho một thị trường 20-25 triệu người xem, đâu có quá đắt?! Đắt, nằm ở chỗ các đài Việt Nam không khai thác thương mại được lượng người xem đó.

Ở đây, từ nhà đài lẫn người xem ở Việt Nam đều vẫn đang nhìn nhận truyền hình thể thao ở góc độ “món ăn tinh thần”, mang ý nghĩa phục vụ là chính. Thể thao của chúng ta chưa phải nhà nghề, người xem cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, không sẵn lòng bỏ tiền để xem chính thức và đóng góp doanh thu cho nhà đài, sâu xa hơn là cho chính môn thể thao mà mình yêu thích. Trong bối cảnh đó, “món ăn tinh thần” ấy ngày càng đắt, thì việc “bỏ lỡ” Asiad 19 là điều đáng tiếc.

Tin cùng chuyên mục