Bàn thờ thăng trầm ký

Người Việt có tín ngưỡng thờ tổ tiên dòng tộc trong mỗi nhà. Người Việt xưa thực hành tín ngưỡng thờ tổ tiên trong mỗi gia đình thông qua cái bàn thờ kê ở gian chính giữa mỗi ngôi nhà. Đó là vị trí cân đối trang trọng nhất. 
Bàn thờ thăng trầm ký
Bàn thờ thường là một chiếc bàn gỗ cao chân có thể đủ chỗ đặt chiếc hòm gian đựng lúa bên dưới. Tùy theo gia cảnh mà đóng chiếc bàn thờ cho phù hợp. Nhà bình dân bàn thờ đơn giản vuông vức, tuy nhiên nó vẫn là thứ đồ gỗ được trau chuốt kỹ lưỡng nhất trong nhà. Ai khá giả hơn có bàn thờ chạm khắc bào soi hình kỷ hà bằng gỗ tốt. Nhà cự phú thì có bàn thờ chạm lộng tứ linh sơn son thếp vàng đặt trên lưng bốn con rùa gỗ cũng sơn son. Trên bàn thờ thường đặt tam sơn bày bát hương, bài vị, tay ngai thờ tổ tiên dòng tộc, hòm sắc phong (nếu có), mâm bồng, chân đèn, chân nến, ống hương, bình hoa. Đơn giản nhất cũng phải có 3 bát hương thờ gia tiên, tiền chủ, bà cô (hoặc ông mãnh), bình hoa. Nhiều nữa có thể thêm vài bát hương cho những người quan trọng với gia đình mình. Những bàn thờ dạng này vẫn còn duy trì trên tất cả các ngôi làng miền Bắc và dường như không một ngôi nhà Bắc bộ nào không có bàn thờ gia tiên.
Những ngôi nhà Hà Nội cổ xưa hình ống thường có một gian thờ riêng biệt. Thầy phong thủy sẽ chọn hướng mà đặt bàn thờ, bốc bát hương. Nhà 2 tầng thì bàn thờ luôn phải đặt ở tầng trên. Không chỉ bàn thờ gia tiên trong nhà, thỉnh thoảng vài nơi trên phố cũng có những bàn thờ tự phát với những lí do đặc biệt. 

Kể từ sau ngày tiếp quản 1954, Hà Nội trở nên chật chội với lượng người khá lớn từ chiến khu trở về xây dựng thành phố mới. Những ngôi nhà chia năm xẻ bảy không còn chỗ cho chiếc bàn thờ bề thế ngày xưa án ngữ nữa. Nhưng nhu cầu thờ cúng tổ tiên thì vẫn y nguyên. Người ta sáng tạo ra một loại bàn thờ di động có thể gắn trên bất cứ bức tường và độ cao nào trong căn phòng được phân phối. Con phố Hàng Quạt, Hàng Hòm là nơi sản xuất ra loại bàn thờ này. Trông rất tạm bợ nhưng vẫn có chỗ để thắp hương ngày giỗ tết và rằm, mùng một hàng tháng. Loại bàn thờ này thường được bỏ đi khi chuyển sang chỗ ở mới. Người ta vứt nó xuống sông, hồ cùng với bát hương cũ. 

Vài năm gần đây, sản xuất bàn thờ đã trở thành một ngành kinh doanh sôi nổi. Có hẳn những công ty lớn chuyên sản xuất bàn thờ nằm quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đã bắt đầu gặp lại những chiếc bàn thờ vô cùng lộng lẫy vàng son hoặc được chế tạo bằng gỗ quý có giá đến hàng tỷ đồng. Bàn thờ có thêm những bộ khung ảnh bằng gỗ quý để lồng ảnh tiền nhân. Những ngôi nhà Hà Nội xây cất lại cũng dành ra hẳn một phòng thờ ở tầng trên cùng. Những căn hộ nhỏ hơn có thiết kế cho bàn thờ nằm ở phòng khách hoặc phòng riêng tùy theo hướng gia chủ chọn. Bàn thờ ông Địa cho những gia đình buôn bán thường làm bằng gỗ pơ-mu chạm khắc rườm rà bên trong bày một ông tượng và những đĩnh vàng sáng bóng. 

Chữ “bàn thờ” vài năm nay đã đi ra khỏi khái niệm ban đầu. Đám buôn bán và độ xe máy gọi đồng hồ công-tơ-mét trên tay lái là cái “bàn thờ”. Chí chóe tranh cãi và độ chiếc “bàn thờ” xe mình sao cho có nhiều đồ chơi đẹp mắt nhất. Người lương thiện hiền hòa gọi tốc độ chạy xe bão táp phát sợ ngoài đường là “tốc độ bàn thờ” và lo lắng khi gặp phải những gã chạy xe điên cuồng như thế trên đường thì xui xẻo chẳng biết mình hay nó phải lên bàn thờ trước! 

Tin cùng chuyên mục