Bán trú vệ tinh tự phát đến bao giờ? ​

Mặc dù tồn tại nhiều năm qua, nhưng đến nay mô hình bán trú vệ tinh - hình thức bán trú tự phát, đưa học sinh các trường tiểu học, THCS về cơ sở giáo dục tư nhân ăn, ngủ và học buổi hai - vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. 
Học sinh được tổ chức ăn trưa tại một cơ sở bán trú tư nhân ở phường 16, quận Gò Vấp
Học sinh được tổ chức ăn trưa tại một cơ sở bán trú tư nhân ở phường 16, quận Gò Vấp
Đặc biệt trong năm học này, với áp lực gia tăng dân số, nhiều trường tiểu học ở TPHCM đã chuyển từ học 2 buổi thành học 1 buổi/ngày khiến nhu cầu tìm chỗ bán trú tăng cao. Làm sao đảm bảo an toàn cho học sinh đang là bài toán khó đặt ra cho các quận, huyện.
Trường tư, trung tâm bồi dưỡng văn hóa cũng vào cuộc
Trưa 22-9, dọc con đường Nguyễn Thị Kiểu (phường Tân Thới Hiệp, quận 12) có rất đông học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Thọ được nhân viên các cơ sở bán trú tư nhân gần đó đón về cơ sở để ăn, ngủ và học buổi hai. Trao đổi với chúng tôi, chị Thảo, nhân viên một cơ sở bán trú, cho biết trước đây dọc con đường này chỉ có 2 cơ sở bán trú, nên việc tập hợp các em lại một chỗ và dẫn băng qua đường, di chuyển về cơ sở rất dễ dàng. “Từ đầu năm ngoái đến nay đã mọc lên 3 cơ sở nữa, khiến việc tập hợp học sinh trở nên khó khăn. Số lượng đông mà các em cứ í ới, đùa giỡn, nhiều khi còn đứng lộn qua nhóm cơ sở bên cạnh, khiến trưa nào tôi cũng mất hơn 30 phút mới dẫn được các em về cơ sở mình”, chị Thảo cho biết. 
Theo quan sát, trong tổng số 5 cơ sở bán trú tư nhân đang hoạt động, có 2 cơ sở được cải tạo từ nhà dân, 2 cơ sở là trung tâm bồi dưỡng văn hóa và một trường mầm non tư thục được sửa chữa lại để mở thêm các lớp bán trú. Chị Minh Lan, một phụ huynh đang gửi con ở cơ sở bán trú B., cho biết con chị học một buổi chính khóa ở trường nhưng gia đình không sắp xếp được người đưa đón, nên đành gửi con bán trú ở cơ sở tư nhân. “Học phí buổi hai, tiền ăn, ngủ bán trú khoảng 1,1 triệu đồng/tháng. Được cái, trường học của con và cơ sở bán trú ở hai phía đối diện nên băng qua đường là tới, tôi đỡ lo lắng trong vấn đề di chuyển của con”, chị Lan nói.   
Đồng cảnh ngộ, năm học này, tại con hẻm nhỏ đối diện Trường Tiểu học An Hội (phường 8, quận Gò Vấp) mọc lên thêm một cơ sở bán trú tư nhân do nhu cầu gửi con bán trú của phụ huynh các trường Tiểu học An Hội, Lương Thế Vinh ngày càng cao. Theo ghi nhận, cứ sau giờ tan học buổi trưa, hàng trăm học sinh không được học bán trú trong trường sẽ được đưa về các cơ sở bán trú tư nhân gần đó để ăn uống, nghỉ ngơi và được các nhân viên ở đây hướng dẫn làm bài tập trong buổi chiều. Từ 17 giờ đến 17 giờ 30, các cơ sở đồng loạt trả trẻ khiến con hẻm chiều nào cũng đông như trẩy hội. Tương tự, tại phường 12 (quận Gò Vấp) có Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Tri Phương mở ra nhưng chưa tuyển đủ học sinh, đã mở thêm một số lớp bán trú, nhận học sinh từ các trường tiểu học công lập trên địa bàn quận về ăn, ngủ và học buổi hai tại trường. Tại quận Tân Phú, nhiều năm trở lại đây, Trường Tiểu học - THCS Hồng Ngọc trở thành nơi tiếp nhận học sinh các trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Đoàn Thị Điểm đến ăn, ngủ và học buổi hai. Theo một lãnh đạo phòng GD-ĐT quận Tân Phú, do được cấp phép hoạt động là trường tư thục nên phụ huynh rất yên tâm về cơ sở vật chất. “Những cơ sở nào chỉ có giấy phép dạy thêm, học thêm, không có chức năng tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc mới đáng lo về chất lượng”, vị này cho biết.  
Mòn mỏi chờ hành lang pháp lý 
Hiện nay, TPHCM chưa có bất kỳ quy định, cơ chế nào cho việc cấp phép hoạt động cũng như giám sát đối với loại hình này.
Trước tình hình đó, bà Lê Thị Kim Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho rằng việc trường tư thục mở thêm lớp bán trú là một trong hai biện pháp quan trọng, cùng với việc tăng cường xây dựng trường lớp nhằm giảm áp lực bán trú cho các trường tiểu học công lập. Tuy nhiên, đại diện một cơ sở bán trú vệ tinh ở quận Gò Vấp, cho biết ngoài việc đưa đón học sinh từ trường chính khóa về cơ sở, lo cho các em ăn, ngủ, cơ sở này còn tổ chức giáo viên dạy học buổi hai, gồm các hoạt động luyện giải bài tập, dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống. “Hoạt động rất nhiều nhưng dù đã mở cửa thành lập từ năm 2007 đến nay, chúng tôi vẫn chưa được cấp phép hoặc có bất kỳ hướng dẫn chuyên môn nào từ các cơ quan quản lý”, người này trăn trở. Theo đó, mọi hoạt động đều diễn ra trên tinh thần thỏa thuận giữa phụ huynh và cơ sở. Vì vậy, khó tránh khỏi sự cạnh tranh, thậm chí phá giá của một số cơ sở nhằm lôi kéo thêm học sinh, khiến chất lượng không đảm bảo.   
UBND TPHCM đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, toàn TP sẽ có 100% học sinh tiểu học và 65% học sinh THCS được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện cho biết, chẳng những khó hoàn thành chỉ tiêu này mà còn có nguy cơ tụt dốc khi số lượng học sinh đầu cấp mỗi năm không ngừng tăng cao, tốc độ xây dựng trường, lớp không đáp ứng nổi nhu cầu học bán trú. Một số quận như Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, năng lực tổ chức bán trú của trường công mới đáp ứng 30%-45% nhu cầu. Từ thực tế đó, mô hình bán trú vệ tinh hoạt động ngày càng rầm rộ, đáp ứng không nhỏ nhu cầu học bán trú.

Tin cùng chuyên mục