Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Ngày 18-7, Bộ GD-ĐT, Hội đồng Anh tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp triển khai đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Quyết tâm cao đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Quyết tâm cao đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW, trong đó có nội dung “từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo để xây dựng đề án. Đến nay, dự thảo Đề án “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045” đã được lấy ý kiến rộng rãi các Sở GD-ĐT, các bộ ngành và qua hai lần trình Văn phòng Chính phủ.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT cho biết, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm 2020, Việt Nam chính thức đưa tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 với cách tiếp cận phù hợp với phát triển năng lực ngôn ngữ của học sinh. Hiện 100% học sinh được học tiếng Anh bắt buộc trong nhà trường từ lớp 3. Bên cạnh đó, hơn 70% học sinh lớp 1, lớp 2 học tự chọn môn tiếng Anh. Đây là sự chuẩn bị trước một bước, là thuận lợi cơ bản để thực hiện đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Tuy vậy, vẫn có những nơi còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của đề án này là thực hiện nhất quán theo chuẩn chung, có lộ trình, có bước đi; có kiểm tra, giám sát; có chủ trương xã hội hóa; có đào tạo, tuyển dụng giáo viên làm nòng cốt; trong chuyên môn, có học tiếng Anh như một môn học và tạo môi trường học các môn học khác bằng tiếng Anh.

Trong đề án, mục tiêu cụ thể được chia làm 3 giai đoạn (2025-2030, 2030-2040, 2040-2045) cho từng cấp học (mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học). Mục tiêu cụ thể được xây dựng với các chỉ số phấn đấu cho từng cấp học, thể hiện 3 mức độ đạt được trong đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai với bộ tiêu chuẩn đánh giá gồm 7 tiêu chí.

Bộ tiêu chí này gắn với các điều kiện bảo đảm, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, kế hoạch giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục, dịch vụ hành chính, nghiên cứu KH-CN, bám sát các quy định của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó là một số nội dung mới, gắn với thực tiễn, thể hiện sự vào cuộc của các cơ quan giáo dục khi phấn đấu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, đề án có 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên dạy tiếng Anh và dạy bằng tiếng Anh, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về chất lượng; đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá, đẩy mạnh xây dựng môi trường tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Chỉ ra một số hạn chế, khó khăn về yếu tố giáo viên, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT mong muốn Hội đồng Anh hỗ trợ Bộ GD-ĐT trong kiểm tra, đánh giá năng lực của đội ngũ giáo viên tiếng Anh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giáo viên học tiếng Anh; đồng thời, hỗ trợ xây dựng môi trường sử dụng tiếng Anh trong trường học.

Tin cùng chuyên mục