
Theo đề xuất, đây là những cán bộ am hiểu hệ thống văn bản pháp lý, có khả năng kết nối chặt chẽ với chính quyền địa phương, giúp nhà trường giảm tải gánh nặng hành chính, tập trung vào công tác chuyên môn trong trường học.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, sau sáp nhập và điều chỉnh địa giới hành chính, TPHCM có tổng cộng 1.839 trường mầm non (692 trường công lập, 1.147 trường ngoài công lập), 3.103 nhóm, lớp mầm non độc lập với 3.801 cán bộ quản lý, 40.435 giáo viên mầm non và 20.726 nhân viên phục vụ.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, quy mô càng lớn, địa bàn càng rộng, sự đa dạng càng cao thì trách nhiệm càng nặng nề. Do đó, những người làm công tác giáo dục cần nhìn thẳng vào những thách thức này, không phải để lo sợ, mà để nâng cao trách nhiệm, hoàn thành tốt trọng trách.
Theo đó, định hướng chiến lược của bậc học mầm non trong giai đoạn tới là tái cấu trúc bộ máy chỉ đạo, phân cấp quản lý mạnh mẽ, đồng thời đẩy mạnh đào tạo, kiểm tra chuyên môn, giám sát chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ với 4 nguyên tắc "Tập trung - Phân cấp - Liên kết chặt chẽ - Phù hợp địa bàn và thực tiễn triển khai".
Tới đây, mô hình, cấu trúc, mạng lưới hoạt động giáo dục mầm non được xây dựng như sau: 168 phường, xã tổ chức thành 16 cụm chuyên môn, được nhóm lại thành 4 cụm chuyên môn lớn.
Người dẫn dắt cụm chuyên môn lớn là lãnh đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện trước đây - những người am hiểu về chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm quản lý. Đây là đầu mối quan trọng, giúp Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, triển khai các chuyên đề, đồng thời là cầu nối tham mưu, góp ý các chính sách quan trọng liên quan đến giáo dục mầm non.
Ngoài ra, 16 cụm chuyên môn sẽ có lực lượng nòng cốt điều hành là chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non của Sở GD-ĐT TPHCM, các thầy cô là lãnh đạo các trường có chuyên môn, khả năng điều phối tốt.
3 sứ mệnh của giáo dục mầm non TPHCM trong bối cảnh mới
Một là, đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các loại hình giáo dục. Trong đó chú trọng các yêu cầu: môi trường an toàn tuyệt đối, chế độ dinh dưỡng khoa học, tình yêu thương và sự tôn trọng mà trẻ nhận được. Bậc học phấn đấu cho trẻ em ở các nhóm lớp độc lập tại các xã vùng ven cũng được hưởng chương trình giáo dục tiên tiến, được chăm sóc chu đáo, khoa học như trẻ em ở trường chuẩn quốc gia tại trung tâm thành phố.
Hai là, tăng cường và đổi mới công tác quản lý hành chính - chuyên môn tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Ngoài tuân thủ các quy định về mặt pháp lý, các nhóm, lớp được hỗ trợ phát triển chuyên môn, tạo ra một mạng lưới liên kết hoạt động trơn tru, đồng bộ.
Ba là, phân bổ nguồn lực và hỗ trợ đội ngũ một cách hợp lý, khoa học và công bằng giữa các vùng, miền, đặc biệt xây dựng các chính sách toàn diện để nguồn lực đầu tư đến đúng nơi cần nhất, mọi nhà giáo đều cảm thấy được quan tâm và trân trọng.