
Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh mua bán đĩa sao chép tại TPHCM vẫn diễn biến phức tạp, dù không ít điểm sao chép in sang đĩa lậu lớn đã bị phát hiện và xử lý. Trên thực tế vẫn tồn tại nhiều điểm mua bán đĩa không tem nhãn công khai, sẵn sàng cung cấp số lượng lớn theo yêu cầu của khách hàng…
Đĩa lậu, cỡ nào cũng có!

Đường Huỳnh Thúc Kháng quận 1 được gọi là con đường băng đĩa. Ảnh: D.K.
Tình hình mua bán băng đĩa sao chép ở khu vực Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu, Tôn Thất Thiệp… hiện đã giảm bớt sự náo nhiệt so với trước đây. Tuy nhiên, theo yêu cầu của khách hàng, các chủ tiệm có thể cung cấp tất cả các mặt hàng đĩa không tem nhãn (CD, VCD, DVD) từ phim, hài kịch, ca nhạc trong và ngoài nước, phim hoạt hình, phim Mỹ, phim bộ Hồng Công (Trung Quốc), Hàn Quốc… giá từ 6.000 đồng đến 12.000 đồng/đĩa.
Đĩa không tem nhãn còn được bày bán công khai ở một số siêu thị, nhiều cửa hàng lớn nhỏ từ nội thành đến ngoại thành, những người bán đĩa dạo bằng xe ba bánh hoặc đựng đĩa trong rổ nhỏ, tiếp thị đĩa đến từng nhà…
Khu vực mua bán băng đĩa sao chép không tem nhãn hoạt động ồn ào nhất hiện nay tập trung về cuối đường Trần Hưng Đạo B, thuộc phường 14, quận 5. Chỉ trong khoảng vài chục mét đã có trên 10 cửa hàng chuyên kinh doanh mua bán loại này, mở cửa đến khuya. Trước các tiệm băng đĩa luôn túc trực cả chục “cò” lôi kéo, mời khách mua đĩa. Giá cả ở đây chỉ từ 5.000 đến 10.000 đồng/đĩa, lại có thêm chiêu khuyến mãi mua 5 tặng 1 (VCD, CD), mua 10 tặng 1 (DVD).
Vào tiệm kinh doanh mua bán băng đĩa H.L, chỉ có một số ít đĩa gốc (có tem nhãn kiểm duyệt) trưng bày ở gian trước, còn lại là đĩa không tem nhãn. Theo nhu cầu khách hàng, tiệm cung ứng mọi chủng loại đĩa sao chép. Những mặt hàng nào tại tiệm không có, chủ tiệm sẽ cho người đi lấy ở kho gần đó.
Với các đĩa game, phần mềm tin học… cũng là loại đĩa in sang trái phép, không tem nhãn.
Làm văn hóa nghệ thuật chùng tay
Những người sản xuất chương trình văn hóa nghệ thuật rất ngán ngại nạn băng đĩa lậu, vì có không ít chương trình ca nhạc, phim ảnh mới giới thiệu, ra mắt vào buổi sáng thì 2 - 3 giờ chiều, nội dung các chương trình được làm từ tiền triệu, tiền tỷ đã có mặt tại các điểm kinh doanh đĩa.
Sự “nhanh nhạy” của thị trường đĩa sao chép lậu khiến không ít người làm văn hóa nghệ thuật chùng tay, không dám đầu tư thực hiện các chương trình lớn, vì làm càng lớn càng lỗ nhiều.
Chương trình văn hóa nghệ thuật thu hút đông khán giả đến xem đã là một kỳ công, công đoạn quay phim, xử lý kỹ thuật để ra mắt các album VCD, DVD cũng tốn rất nhiều công sức và chiếm một khoản lớn kinh phí. Rốt cuộc các “đầu nậu” băng đĩa lậu xào xáo lại, khiến đĩa gốc nằm ì không bán được. Ngoài thiệt hại kinh tế, nó còn hạn chế sự sáng tạo nghệ thuật. Không ít ca sĩ Hà Nội từng làm những cuộc “xuống đường” phản đối nạn sao chép in sang đĩa lậu nhưng sau đó họ cũng đành bất lực.
Ngoài ra, trên thị trường còn xuất hiện không ít đĩa CD, VCD, DVD mang nội dung phản động, xuyên tạc chính sách Nhà nước, hoặc sex, bạo lực… đã tiêm nhiễm vào không ít bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Đây là một trong những nguyên nhân được các nhà nghiên cứu phân tích là đã góp phần tạo nên những vụ án mại dâm vị thành niên, hình sự... để lại hậu quả đau lòng.
Hiện nay, đoàn kiểm tra liên ngành VH-XH TPHCM tập trung phá các vụ lớn, những ổ tàng trữ, in sang trái phép, nơi chuyên cung cấp sỉ cho những người kinh doanh mua bán lẻ và đóng hàng đưa đi các tỉnh. Đoàn chỉ có 17 người, thuộc các đơn vị Sở VH-TT-DL, Sở Công thương, CA TPHCM, Quản lý thị trường, Sở LĐ-TBXH, Sở Y tế, nhưng công việc nhiều nên khá vất vả. Có vụ việc mất hơn một tháng, nhưng có vụ kéo dài đến cả năm mới làm xong, trong đó không ít vụ mang tính chất nguy hiểm cao. Trung bình đoàn tiến hành 2 đợt ra quân kiểm tra trong một tuần, kiểm tra nhiều lĩnh vực, đặc biệt tập trung kiểm tra các hoạt động có liên quan ma túy, mại dâm, tàng trữ, phổ biến các loại văn hóa phẩm có nội dung độc hại…
Trách nhiệm chính quyền địa phương?
Để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên các địa bàn dân cư trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương, bao gồm UBND phường, CA phường và gần nhất là cảnh sát khu vực (CSKV) – người quản lý địa bàn sâu sát nhất, nắm rõ tình hình nhất. Ấy vậy mà có nhiều vụ việc khi đổ bể, CSKV bảo rằng không biết gì. Ví như vụ phá ổ in sang đĩa lậu lớn tại phường 15 quận 10, CSKV không báo cho cấp trên hay, chỉ đến khi lãnh đạo phường đọc báo mới biết có vụ việc lớn xảy ra tại địa phương mình quản lý.
Đa số vụ án được phá đều nhờ thông tin từ những quần chúng có ý thức cung cấp, điều đó càng khẳng định sự thiếu trách nhiệm của CSKV ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, không ít trường hợp, đương sự bỏ của chạy lấy người, Sở VH-TT-DL gửi thư mời về địa phương nhờ địa phương hợp tác giải quyết vụ việc thì không nhận được sự hợp tác từ phía địa phương nơi đương sự cư trú.
Một điều tréo ngoe nữa là có không ít vụ nhỏ chỉ tịch thu vài ngàn đĩa, được xử theo Nghị định 56, với số tiền phạt vài chục triệu đồng, nhưng với những vụ lớn thì có khi không xử được ngoài việc tịch thu tang vật.
Đơn cử như một số vụ: 142 Nguyễn Chí Thanh phường 16, quận 11 do Cao Mỹ Dung làm chủ, bị đoàn kiểm tra tịch thu 312 kiện (bao tải lớn) đĩa các loại không tem nhãn, ước khoảng trên 200.000 đĩa. Vụ xảy ra ở địa chỉ 214/C67 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh quận 1 do Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ. Đây cũng là nhà ở, bị đoàn kiểm tra liên ngành đánh úp vào tháng 1-2008, thu 64 bao tải với hơn 100.000 đĩa, đương sự đã bỏ của chạy lấy thân.
Vụ thứ ba ở đường số 3, phường 15 quận Gò Vấp, là nhà thuê, tổ chức in sang đĩa lậu lớn với 3 máy in vi tính, 1 bộ vi tính, 76 ổ đĩa dùng để sao chép. Vụ việc được phá vào tháng 1-2008, thu về 118 kiện đĩa, bìa các loại. Trường hợp này đủ yếu tố để khởi tố (số lượng lớn, nội dung vi phạm các điều cấm – sex) nên đoàn kiểm tra đã bàn giao lại cho lực lượng an ninh CA quận Gò Vấp, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy xử lý…
Không chỉ thế, không ít vụ việc được một số cơ quan, đơn vị lấy mặt bằng của Nhà nước cho thuê nhưng không giám sát, kiểm tra, để tư nhân tự do hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật. Đơn cử như vụ nhà máy in sang đĩa không tem nhãn nằm trong khuôn viên Sân bay Tân Sơn Nhất, bị đơn vị PC 15 CATP phát hiện vào năm 2008, đến nay vẫn chưa xử xong.
Băng đĩa lậu cũng là một dạng tệ nạn xã hội, cần phải xử lý tận gốc rễ, trước tiên là sự phối hợp, hợp tác tích cực từ nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Khi chính quyền địa phương, CSKV nâng cao trách nhiệm hơn nữa thì hẳn nhiên các loại tệ nạn xã hội sẽ giảm, góp phần làm trong sạch môi trường sống của người dân.
Thúy Bình