Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức được các câu lạc bộ nghệ thuật Đờn ca tài tử để duy trì và bảo tồn trong đời sống của người dân.
Để triển khai công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Ban Chỉ đạo Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (Ban chỉ đạo) vừa tổ chức thực hiện Kế hoạch “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; từng bước nâng cao chất lượng và phát triển phong trào Đờn ca tài tử ở các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu để phục vụ khách du lịch…

Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức mở lớp hướng dẫn, truyền dạy 20 bản tổ đờn ca tài tử cho cán bộ phụ trách công tác văn hóa - xã hội, giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học và hội viên các câu lạc bộ đờn ca tài tử tại các địa phương.

Đồng thời, đưa nghệ thuật đờn ca tài tử giảng dạy vào môn âm nhạc, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm hướng nghiệp) tại các trường tiểu học, trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa tỉnh Bạc Liêu và đầu tư trang thiết bị sinh hoạt đờn ca tài tử cho câu lạc bộ và nhà văn hóa ở các địa phương…

Trước đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng một công trình kiến trúc lưu giữ những giá trị vật chất cũng như tinh thần của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ hấp dẫn người dân và du khách nhất Bạc Liêu, đó là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Khu lưu niệm này được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1997, được Bộ VH-TT-DL xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2014.

Tham quan khu lưu niệm, người dân và du khách sẽ được nghe giới thiệu về cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ông là tác giả của bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng, tiền thân của vọng cổ ngày nay.

Để tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, đồng thời, khẳng định Bạc Liêu là một trong những chiếc nôi hình thành và phát triển Đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng, nghệ thuật cải lương nói chung, UBND tỉnh Bạc Liêu đã mở rộng khu trưng bày, tôn tạo mộ nhạc sĩ, nhà biểu diễn, vườn nhạc cụ, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu…


Đặc biệt, trong khu lưu niệm có công trình “Đài nguyệt cầm” - một biểu tượng văn hóa tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, nơi đây sẽ được tổ chức Lễ hội Dạ cổ hoài lang vào rằm tháng 8 hàng năm.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, trong 5 ngày nghỉ dịp lễ 30-4 và 1-5 (từ 30-4 đến 4-5), lượng khách đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh khoảng 125.400 lượt người, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 78,5 tỷ đồng.
Trong đó, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Cao Văn Lầu có khoảng 2.000 - 3.000 khách tham quan/ngày.

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu Thái Quốc Lưu cho biết, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều giải pháp, duy trì và nâng cao hiệu quả các câu lạc bộ đờn ca tài tử, đội nhóm văn hóa, văn nghệ ở cơ sở; xây dựng Kế hoạch và triển khai tập dợt các vở cải lương, chương trình nghệ thuật tổng hợp chuẩn bị biểu diễn phục vụ tại Nhà hát Cao Văn Lầu vào thứ bảy hàng tuần.

Ngoài ra, trong năm 2025, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện công tác tu bổ Di tích Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu với nhiều hạng mục xuống cấp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh nhà.
Trong quý 1, tỉnh Bạc Liêu đã đón 17.488 lượt khách tham quan tại các di tích và 2.390 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu tại nhà trưng bày cố định bảo tàng và các cuộc triển lãm chuyên đề.
