Bánh đa vừng xuất ngoại

Nhắc đến bánh đa vừng (mè), người Nghệ An sẽ nghĩ ngay đến bánh đa Đô Lương. Ấy nhưng, cho dù rất nổi tiếng thì bánh đa Đô Lương xưa nay cũng vẫn chỉ là thứ quà quê để... ăn chơi. Không ai có thể nghĩ rằng, đến một ngày, thứ quà dân dã này lại được xuất ngoại, thu về hàng tỷ đồng. Làm được việc không tưởng này là hai chàng trai trẻ Nguyễn Bá Thắng và Nguyễn Ngọc Phương, cùng 32 tuổi, ở xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.
Nguyễn Bá Thắng và sản phẩm bánh đa vừng Lương Sơn của mình
Nguyễn Bá Thắng và sản phẩm bánh đa vừng Lương Sơn của mình

Bỏ việc lương cao, về quê lập nghiệp

Nguyễn Bá Thắng kể, sau khi tốt nghiệp Khoa Xây dựng Trường Đại học Vinh, anh được nhận vào làm việc tại một công ty xây dựng với mức lương khá cao. Trong 4 năm, anh đã lăn lộn ở nhiều công trình trên khắp cả nước. Năm 2017, trong khi làm công trình tại tỉnh Tây Ninh, Thắng để ý đến bánh tráng phơi sương. Hình ảnh này đã khiến người con xa quê như anh khắc khoải “vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”. Anh nhớ về thứ bánh được tạo nên bởi gạo thuần và ngon từ vựa lúa Yên Thành, Thanh Chương kết hợp vừng đen, tỏi, ớt được trồng ở bãi bồi sông Lam, muối từ biển Diễn Châu… Dưới bàn tay khéo léo của người dân quê anh, tất cả hòa quyện, kết hợp lại thành chiếc bánh đa đậm đà bản sắc xứ Lường (Đô Lương xưa). Đặc biệt, tìm hiểu thêm, Thắng biết nhiều người Tây Ninh sống tốt với nghề làm bánh tráng, một số gia đình còn khá giả nhờ bánh tráng. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu chàng trai này: “Tại sao không khởi nghiệp với bánh đa quê mình?”.

Không lâu sau, Nguyễn Bá Thắng xin công ty nghỉ việc rồi về quê. Khi nghe anh trình bày về ý tưởng sẽ gây dựng sự nghiệp từ bánh đa vừng, cả nhà phản đối kịch liệt. Một số người còn khá sốc vì Thắng có bằng kỹ sư xây dựng, lương cao, ổn định nhưng lại quay về làm công việc mà... không cần học cũng làm được. Không những vậy, Thắng còn rủ thêm bạn học thời phổ thông là Nguyễn Ngọc Phương cùng làm. Thời điểm này, Phương cũng đang là kỹ sư xây dựng, có việc làm lương cao. Quyết định bỏ việc, quay về khởi nghiệp với bánh đa của hai chàng trai đã gây “rung chấn” cho vùng quê Nhân Sơn.

Sau một thời gian thuyết phục, cuối cùng gia đình Thắng và Phương đồng ý cho con khởi nghiệp với bánh đa. Với sự hỗ trợ từ gia đình, vay mượn thêm anh em bạn bè, hai chàng trai đầu tư 700 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, máy xay bột, máy tráng bánh, máy nướng, máy đóng gói chân không… Bá Thắng chia sẻ: “Bánh đa vừng truyền thống được làm thủ công chỉ phù hợp với thị trường truyền thống ở làng quê. Muốn bánh vươn xa, bên cạnh việc duy trì bí quyết làm bánh truyền thống cần phải đầu tư máy móc thiết bị để làm theo tiêu chuẩn thị trường. Ngon theo cách truyền thống nhưng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả phù hợp thì mới mong được thị trường chấp nhận”. Mẻ bánh đầu tiên ra lò, hai chàng trai đặt tên cho sản phẩm của mình là bánh đa Lương Sơn.

Từ làng quê ra thế giới

Qua quá trình vận hành, Thắng và Phương dần phát hiện ra những bất hợp lý trong quá trình sản xuất bánh đa. Đặc biệt, khi sản xuất theo lối truyền thống phải phơi bánh ngoài trời, khiến sản phẩm phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Vào thời điểm mùa mưa kéo dài, bánh làm ra không phơi được bị hỏng, mất rất nhiều chi phí và công sức. Sau khi bàn bạc, hai anh quyết định vay mượn thêm 4 tỷ đồng, thuê một khu đất ở xóm 7, xã Nhân Sơn để mở rộng quy mô sản xuất. Tại đây, một hệ thống sản xuất bánh khép kín được đầu tư, từ khâu ngâm gạo, xay bột, tráng bánh cho đến sấy khô, nướng bánh, đóng gói. Trên cơ sở bí quyết truyền thống, hai chàng trai còn mày mò, thử nghiệm thêm để cho ra những chiếc bánh vừa giữ được chất truyền thống nhưng mang hương vị hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại đẹp mắt.

Sau một thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, thương hiệu bánh đa Lương Sơn được người tiêu dùng không chỉ ở tỉnh Nghệ An mà nhiều tỉnh, thành như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, TPHCM, Bình Dương… đón nhận. Để thuận lợi trong giao dịch, Thắng và Phương đã lập Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thực phẩm Lương Sơn. Đến nay, công ty đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 40 lao động địa phương.

Nguyễn Bá Thắng kể, dự định ban đầu của anh và Phương là làm bánh đa cung cấp cho thị trường trong nước, “được người trong nước ăn và khen là thành công lắm rồi”. Nhưng, cơ duyên đến tình cờ khi nhiều người đi lao động ở nước ngoài, mỗi lần về quê trở lại đều mua bánh đa Lương Sơn làm quà. Qua những người này, anh nhờ họ cho người nước sở tại nếm thử bánh. Đặc biệt, một số người ở Nhật Bản cho biết, người dân nơi đây sau khi ăn bánh đa tỏ ra rất thích thú và khen ngợi. Thế là thêm một ý nghĩ táo bạo nảy ra với hai chàng trai: “Xuất bánh sang thị trường Nhật Bản, tại sao không nhỉ?”. Ý tưởng là vậy nhưng hai chàng trai này cũng lo lắng vì thị trường Nhật rất khó tính, không dễ đón nhận sản phẩm, mặt hàng mới. Sau nhiều lần chạy đôn chạy đáo, một mặt vừa tìm kiếm đơn vị xuất khẩu, một mặt hoàn thiện các yêu cầu của đối tác; cuối cùng, sản phẩm bánh đa Lương Sơn cũng được phía Nhật Bản chấp nhận. Năm 2022, 1 triệu chiếc bánh đa Lương Sơn đầu tiên trị giá 2,2 tỷ đồng đã được xuất sang Nhật Bản, hiện diện trong các hệ thống siêu thị của nước này.

Sau chuyến xuất ngoại thuận lợi, Thắng và Phương tiếp tục tìm đối tác và xuất bánh đa sang Australia, Lào. Về dự định sắp tới, Bá Thắng chia sẻ: “Chúng tôi đang xúc tiến để đưa bánh sang Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Đặc biệt, chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để tương lai sẽ xuất thẳng bánh sang các nước mà không phải qua trung gian. Ngoài sản phẩm bánh đa truyền thống, chúng tôi còn làm thêm bánh đa gạo lứt, bún khô, bánh đa nem… Tất cả đều mang hương vị của đồng quê Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục