Báo cáo thảm họa thế giới năm 2014: Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu

Ngày 16-10, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam tổ chức công bố báo cáo thảm họa thế giới năm 2014 với chủ đề “Văn hóa và rủi ro” và hưởng ứng Ngày Quốc tế về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

(SGGP).- Ngày 16-10, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam tổ chức công bố báo cáo thảm họa thế giới năm 2014 với chủ đề “Văn hóa và rủi ro” và hưởng ứng Ngày Quốc tế về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Theo ông Michael Annear - Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam, báo cáo thảm họa thế giới năm 2014 nhấn mạnh về mối quan hệ quan trọng giữa văn hóa và phòng ngừa thảm họa và khẳng định một trong những ưu tiên hàng đầu để các chương trình giảm thiểu rủi ro thảm họa thành công là cần phải cân nhắc văn hóa cộng đồng và hành vi của con người.

Báo cáo gồm các chương: Tầm quan trọng của “văn hóa” và thái độ với rủi ro; tôn giáo và tín ngưỡng ảnh hưởng đến quan niệm về rủi ro thiên tai như thế nào; nhìn nhận sinh kế một cách nghiêm túc; những điều tưởng tượng về cộng đồng; văn hóa, rủi ro và môi trường nhân tạo; những vấn đề nhạy cảm về văn hóa trong y tế cộng đồng: thảm họa HIV/AIDS và hơn thế nữa. Đặc biệt, báo cáo này đã đặt ra những vấn đề mà cộng đồng cần phải giải quyết và xử lý như: thiên tai do lũ lụt, núi lửa.

Báo cáo cũng nêu rõ, thế giới vẫn luôn đứng trước những thách thức lớn do thiên tai, thảm họa gây ra. Năm 2013, có tới 100 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong số đó có 87% sống ở châu Á. Trong đó, Việt Nam là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ và biến đổi khí hậu toàn cầu. Mỗi năm, Việt Nam phải hứng chịu từ 10 đến 15 cơn bão, lũ lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 50% diện tích đất đai và 70% dân số của Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2013 đã có 14 cơn bão và lũ xảy ra tại Việt Nam, với số người bị ảnh hưởng lên đến 4,13 triệu người (cao nhất trong 10 năm trở lại đây). Trong khi đó, số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, số thảm họa trên toàn cầu trong năm 2013 lại thấp nhất trong cả thập niên.

Đáng chú ý, theo dự báo biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam, giữa thế kỷ 21 mực nước biển của Việt Nam có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển có thể dâng cao 1m. Khi đó, khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, TPHCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Sáng 16-10, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế trong việc thực thi chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và thực tiễn tại Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến khẳng định rằng vấn đề BĐKH hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng. Chính vì thế, trong thời gian qua, Việt Nam là quốc gia đi đầu hưởng ứng chiến lược giảm thiểu những tác động do BĐKH gây ra, bằng những chính sách lâu dài và hành động cụ thể… Tuy nhiên, việc ứng phó với BĐKH tại Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức, cần sự chia sẻ từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển, tiên tiến. Tại hội nghị, đại diện Viện Nghiên cứu Rosa Luxemburg về Đông Nam Á của Đức chia sẻ, tại châu Âu hiện có hơn 12.000 doanh nghiệp đang tác động xấu đến môi trường, vì vậy mà Liên minh châu Âu đưa ra những ràng buộc nghiêm ngặt, nhằm phấn đấu giảm lượng CO2 từ 50% năm 2005 xuống 25% năm 2020. Ngoài ra, hệ thống nhà xây của các nước châu Âu cũng ưu tiên hàng đầu về kỹ thuật để thu nạp hệ thống năng lượng mặt trời…

NGUYỄN QUỐC - VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục