Báo chí kết nối xã hội

Trong khi chúng ta đang thảo luận, loay hoay về ứng xử với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) thì Thung lũng Silicon đang thao tác chuẩn bị cách mạng 5.0. Báo chí trong cách mạng 4.0, cần có tư duy và làm nghề thích hợp, trong đó nếu thiếu phản biện và tương tác xã hội sẽ mất sức sống, mất công chúng và đương nhiên khó hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền chính trị.

Vấn đề báo chí phản biện xã hội (PBXH) thể hiện ở những cấp độ khác nhau. Ở đây chỉ nói đến PBXH theo nghĩa, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội phản biện chính sách công với mục đích đồng thuận hay phản đối, nhằm hoàn thiện và tối ưu hóa nó trong thực tiễn. Theo đó, nên chú ý tới một số khía cạnh sau đây: Một là, chủ thể PBXH là các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cộng đồng, các tầng lớp cư dân và các cá nhân... Đó là quá trình phản biện mang tính chất xã hội nhằm khơi dậy, kết nối nguồn lực trí tuệ và cảm xúc xã hội. Nhưng nói đến chủ thể PBXH, trước hết phải nói đến vai trò trung tâm, nòng cốt của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, tầng lớp tinh hoa trí tuệ của cộng đồng, của xã hội. Hai là, đối tượng của PBXH là các chủ trương, chính sách, đề án, dự án, chương trình (gọi chung là CSC) liên quan đến quyền và lợi ích của cộng đồng nói chung hoặc của nhóm xã hội lớn. 

Trong kinh tế thị trường, nếu CSC không được PBXH và “cân nhắc” kỹ lưỡng trên cơ sở lựa chọn một cách khoa học, gắn với thực tiễn sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ thao túng, lũng đoạn của lợi ích nhóm. Ba là, mục đích của PBXH là nhằm thực thi dân chủ, phát huy trí tuệ và cảm xúc của cộng đồng xã hội,... làm cho các CSC thật sự đáp ứng nhu cầu phát triển, bảo đảm lợi ích của các nhóm đối tượng chịu sự tác động của CSC, góp phần bảo đảm hài hòa lợi ích và phát triển bền vững. Chẳng hạn, đề án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM và đề án trục đường Hồ Tây - Ba Vì của Chính phủ đã bị bác tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, chính là kết quả PBXH qua báo chí - truyền thông và dư luận xã hội. Một số quyết sách lớn chưa tạo được đồng thuận xã hội, thậm chí gây phản ứng phức tạp, chủ yếu là do chưa tuân thủ chu trình kiến tạo CSC, chưa tạo điều kiện cho dân tham gia PBXH, qua đó tạo đồng thuận xã hội. Bốn là, PBXH là phương thức thể hiện tính công khai, minh bạch theo quan điểm của Đảng và Nhà nước “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo ra sự cộng hưởng và lan tỏa trong xã hội để mọi người cùng thống nhất nhận thức, nâng cao hiểu biết trên cơ sở báo chí chủ động cung cấp thông tin, kiến thức, tạo diễn đàn chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm. Qua đó, mỗi công dân, nhóm xã hội lớn và cộng đồng dân cư thêm cơ hội mở mang hiểu biết, gia tăng tương đồng và giảm dần sự khác biệt, tạo đồng thuận xã hội về nhận thức, thái độ và hành vi xã hội trong hoạch định và thực thi CSC. Đó là quá trình báo chí khơi nguồn, thể hiện, định hướng và điều hòa dư luận xã hội. Mặt khác, đó là quá trình báo chí giúp Đảng và Nhà nước huy động sức mạnh dư luận xã hội để kiểm soát xã hội, điều hòa các quan hệ lợi ích, bảo đảm cho xã hội phát triển bền vững, tránh những tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Năm là, PBXH đòi hỏi bảo đảm cơ sở dữ liệu khoa học - thực tiễn, có luận điểm, luận cứ và luận chứng rõ ràng để soi chiếu vào vấn đề CSC và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong mối quan hệ với lợi ích. Quá trình PBXH qua báo chí - truyền thông không chỉ bày tỏ quan điểm, thái độ đồng tình hay phản đối, mà còn gợi mở giải pháp thực tế, thậm chí chỉ ra những dấu hiệu lợi ích nhóm đang chi phối CSC. Do vậy, PBXH không chỉ đòi hỏi sự am tường, mà còn tâm huyết và trách nhiệm với sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Cách mạng 4.0 với đặc trưng quan trọng nhất là tạo khả năng siêu kết nối và tương tác xã hội, đang tạo ra cho báo chí - truyền thông những cơ hội và thách thức rất lớn. Cách mạng 4.0 đã tạo ra mạng xã hội với nhiều tài nguyên, nhưng cũng lắm “mã độc” nên giao tiếp và khai thác mạng xã hội không thể “cứ hồn nhiên” như giao tiếp gia đình được.

Kỹ thuật và công nghệ số đang tạo ra môi trường truyền thông số siêu kết nối và tương tác xã hội. Đây là điều kiện lý tưởng để báo chí có thể khơi dậy, kết nối và tổ chức nguồn sức mạnh mềm - niềm tin xã hội, trí tuệ và cảm xúc xã hội trong dân, thể hiện hiệu quả vai trò PBXH giúp Đảng và Nhà nước đưa ra các quyết sách, chính sách đúng và trúng, hợp lòng dân và đáp ứng yêu cầu phát triển. Nếu báo chí bỏ qua cơ hội này, báo chí sẽ tự rời bỏ công chúng, xa lánh sự nghiệp của Đảng và sẽ tự tước bỏ cội nguồn sống của mình. Và nếu báo chí PBXH thiếu chuyên nghiệp sẽ có thể làm cho các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thêm phức tạp, thậm chí rối rắm, hỗn loạn và xung đột xã hội, khó tạo được đồng thuận xã hội về nhận thức và hành vi xã hội.

Vấn đề này đòi hỏi báo giới, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí, không chỉ có lý tưởng và bản lĩnh hành nghề, mà còn phải có vốn kiến thức sâu rộng, am hiểu thực tế, tâm huyết vì sự nghiệp và không ngừng hoàn thiện kỹ năng làm việc trong môi trường công nghiệp 4.0. Trong môi trường truyền thông số 4.0, cơ quan báo chí phải là trung tâm kết nối xã hội; mỗi nhà báo phải là một nhà kết nối xã hội. Và muốn thực hiện tốt vai trò PBXH tốt, trước hết nhà báo và cơ quan báo chí cần kết nối đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa - xã hội, giới truyền thông và công chúng nói chung.

Tin cùng chuyên mục