Bão chồng bão vào biển Đông

An Giang, Đồng Tháp huy động tổng lực phòng chống lũ
Bão chồng bão vào biển Đông

(SGGP).- Sau hơn một tuần tồn tại dai dẳng trên khu vực giữa biển Đông, gây mưa và lũ lớn cho 2 khu vực Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ, sáng 25-9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4 có tên quốc tế là Haitang.

Ngư dân phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão số 4. Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Ngư dân phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão số 4. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, chiều qua vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc và 112,6 độ kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 430km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 62 - 74km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Chiều 25-9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp giao ban khẩn của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương để chỉ đạo các giải pháp ứng phó với bão.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các địa phương ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên khẩn trương thông tin cho các tàu thuyền trên biển, tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa về vị trí của cơn bão để chủ động tìm nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, các địa phương cần sẵn sàng các lực lượng cứu hộ để ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để giúp ngư dân có thể đưa tàu vào tránh trú bão. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa chỉ đạo và chuẩn bị phương châm “4 tại chỗ” để phòng chống bão, đặc biệt là khi mưa lũ xảy ra. Trước mắt sơ tán dân ở vùng sạt lở, vùng trũng và gia cố các vùng bờ bao, đê chống tràn. Các địa phương bố trí trực, chuẩn bị các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản người dân. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương chỉ đạo các ban quản lý hồ đập thủy điện, thủy lợi cần chủ động điều tiết nguồn nước.

Chiều 25-9, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã ra 2 công điện khẩn số 31 và 32/CĐ-TW gửi các bộ có liên quan và tất cả các địa phương ở miền Trung, Nam bộ và Tây Nguyên yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.


P. Hậu

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và còn khả năng mạnh thêm. Khoảng chiều 26-9, tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Nam khoảng 180-200km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (từ 62 - 88km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định tâm bão sẽ đổ bộ vào khu vực Bắc miền Trung, bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An,  Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của không khí lạnh tràn xuống phía Nam, nên tâm bão bị đẩy dần về hướng Trung Trung bộ. Khoảng ngày 27-9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, đi sâu vào đất liền và tan dần.

Trong khi đó, ở ngoài khơi xa lại xuất hiện một cơn bão khác có tên quốc tế là Nesat, đang hướng thẳng vào biển Đông. Chiều 25-9, vị trí tâm bão đang ở vào khoảng 14,6 độ vĩ Bắc và 128,9 độ kinh Đông, thuộc phía Đông Nam của đảo Luzon (Philippines). Bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, sau đó sẽ chuyển hướng sang Tây Tây Bắc. Khoảng 2 ngày nữa, siêu bão Nesat sẽ vượt qua Philippines vào biển Đông.

Hiện nay, do siêu bão Nesat và bão số 4 hoạt động tương tác với nhau nên hướng đi của bão số 4 sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường hơn.

Chiều 25-9, Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, cho biết, trong suốt đêm 24 và ngày 25-9, mưa đã giảm trên hầu hết các địa bàn ở miền Trung, lũ trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Tuy nhiên, do triều cường dâng cao nên một số vùng hạ lưu ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn còn bị ngập sâu từ 0,2-05m; lũ trên một số sông vẫn duy trì ở mức trên dưới báo động 1.

Trong khi lũ chưa rút hết thì người dân miền Trung lại triển khai các biện pháp cấp bách để đối phó với cơn bão số 4. Ngày 25-9, theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Bình Định, đến chiều 25-9, tất cả số tàu thuyền ở 4 địa phương này đã vào bờ trú ẩn an toàn. Trong khi đó, 4 địa phương còn lại là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên hiện vẫn còn 324 tàu với 6.821 lao động hoạt động trên biển. Đáng quan tâm là trong số đó có gần 150 tàu với trên 3.000 lao động đang ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Đặc biệt, hiện có 2 tàu cá của Quảng Nam vẫn chưa liên lạc được. Bộ đội Biên phòng các tỉnh tiếp tục giữ liên lạc với các tàu thuyền đang còn trên biển, thông báo hướng di chuyển của bão số 4 để các phương tiện tìm nơi trú ẩn an toàn. Quảng Bình cũng đã huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ biên phòng, quân đội, công an vào cuộc sẵn sàng giúp dân trước bão số 4.

Chiều 25-9, ông Lê Ngọc Kích, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, hiện đang có 20 hộ dân nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 thuộc thôn 6, xã Trà Dơn bị nước lũ uy hiếp nghiêm trọng. UBND huyện Nam Trà My tổ chức ứng trực và sẽ tiến hành sơ tán những hộ dân này ngay khi cần thiết. Hai ngày qua, do mưa lớn nước lũ lên cao và gây xói lở làm núi khu vực suối Đôi sạt lở gây ách tắc giao thông. Hiện mực nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn ở huyện Điện Bàn, huyện Đại Lộc đang ở mức báo động 2.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, trong 1 - 2 ngày tới khi bão số 4 áp sát ven biển miền Trung sẽ gây mua to đến rất to, lũ trên các sông ở miền Trung sẽ lên trở lại và có thể vượt báo động 3. Chính vì vậy, song song với công tác kêu gọi tàu thuyền, phòng chống bão, chính quyền và người dân miền Trung triển khai các phương án phòng chống lũ.

NHÓM PV


An Giang, Đồng Tháp huy động tổng lực phòng chống lũ

* Hàng ngàn học sinh nghỉ học * Đã có 2 người chết do lũ

Mực nước đo được lúc 7 giờ ngày 24-9 trên sông Tiền tại Tân Châu lên đến 4,42m (kém 8cm so với báo động 3); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,75m, dưới báo động 3 là 25cm. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh và ở mức lớn. Đến ngày 28-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,7m, vượt 20cm so với báo động 3; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,05m, trên báo động 3 là 5cm; tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên lên mức báo động 2-báo động 3, có nơi vượt báo động 3.

Nhiều nhà dân bị ngập đến nóc trên cánh đồng lũ huyện biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: B.ĐẠI
Nhiều nhà dân bị ngập đến nóc trên cánh đồng lũ huyện biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: B.ĐẠI

Tại Đồng Tháp, các tuyến đê bao ở xã Thường Thới Tiền, Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự), phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự), xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng) đang bị đe dọa nghiêm trọng vì bị lún, nứt, sạt lở, nhiều nơi mực nước lũ tiến sát mặt đê. 5.000ha lúa thu đông trong các tuyến đê bao này đang bị đe dọa, trong số này, nghiêm trọng nhất là 2.600ha lúa thu đông tại xã Thường Thới Tiền. Toàn tuyến đê Thường Thới Tiền hơn 10km có nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng. Thị xã Hồng Ngự hiện có hơn 1.300 học sinh phải nghỉ học do lũ. Nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn đến các điểm trường ngập sâu trong lũ, có nơi bị ngập đến 1m, vì thế số học sinh nghỉ học sẽ còn tăng thêm.

Chiều 25-9, ông Ngô Hữu Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Tế (thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang) cho biết: “Nước bên ngoài đê Tha La tăng lên rất nhanh, gây áp lực lớn với hàng ngàn hécta lúa thu đông của người dân. Hiện mực nước lên đến 3,85m, trung bình mỗi ngày tăng bình quân 10cm. Tình hình rất căng thẳng khi dự báo vài ngày tới mực nước có thể lên 4,15m. Lo ngại nhất hiện nay là tình trạng việc sạt lở đê do nước dâng lên và sóng đánh liên tục. 2 ngày qua, lực lượng thị đội Châu Đốc và Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn cùng đoàn thể các phường, xã ở thị xã Châu Đốc tiếp ứng thường xuyên khoảng 200 người. Riêng lực lượng trực tiếp bảo vệ đê có khi lên đến 400 người”.

Thông tin từ Ban chỉ huy PCLB huyện An Phú (An Giang) cho biết: Tại xã Phú Hữu, nước lũ gây ngập úng hoàn toàn hơn 117ha lúa vụ 3 và hoa màu của người dân. Có 2 người (hai mẹ con) ở xã Phú Hội tử vong trong lúc đi bắt ốc trên đồng nước gặp mưa dông nhấn chìm xuồng. Nhiều tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn các xã: Nhơn Hội, Đa Phước, Phú Hữu, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc Vĩnh Hội Đông, Phú Hội bị ngập. Đến ngày 25-9, nước lũ lên nhanh trên địa bàn huyện An Phú đã làm ngập đường đến 21 điểm trường và 8 điểm giữ trẻ. Các địa phương đã bố trí người và phương tiện đưa rước an toàn cho 1.288 học sinh và 257 trẻ mẫu giáo. Tuy nhiên, lo ngại hiện nay của các địa phương vùng ngập lũ là thiếu áo phao cho học sinh. Theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nếu lũ vượt báo động 3, An Giang sẽ công bố tình trạng lũ lụt, tập trung quyết liệt các giải pháp nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân.


BÌNH ĐẠI - HỒNG NGỰ

Tin cùng chuyên mục