Bảo đảm an ninh nguồn tài nguyên nước

Luật cần cụ thể và dễ áp dụng
Bảo đảm an ninh nguồn tài nguyên nước

Ngày 17-2, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo “Góp ý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)”, lấy ý kiến các chuyên gia, các sở ban ngành, quận, huyện TPHCM và các nhà hoạt động có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Tài nguyên nước (TNN).

Được chính thức ban hành từ tháng 4-1998, Luật TNN bao gồm những quy định trong công tác bảo vệ nguồn TNN, quản lý các hoạt động khai thác và sử dụng TNN, các hoạt động, giải pháp phòng chống và khắc phục những hậu quả tác hại do nước gây ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các quy định của bộ luật này có liên quan đến rất nhiều hoạt động phát triển kinh tế, xã hội quốc gia. Tuy nhiên, sau gần 14 năm ban hành và áp dụng trong thực tiễn, Luật TNN đã phát sinh một số vướng mắc và cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó, vấn đề bảo vệ và bảo đảm an ninh nguồn nước rất cấp bách và nên đưa những quy định cụ thể về vấn đề này vào Luật TNN sửa đổi.

Niềm vui của một người dân Cần Giờ khi sử dụng nước sạch. Ảnh: Kim Ngân

Niềm vui của một người dân Cần Giờ khi sử dụng nước sạch. Ảnh: Kim Ngân

Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, chủ trì hội thảo. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng xem xét, đánh giá và góp ý cho các vấn đề được nêu trong dự án Luật TNN bao gồm 9 mục: Phạm vi điều chỉnh; chính sách nhà nước; điều tra cơ bản; quy hoạch; phương án phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; tài chính; quan hệ quốc tế; phân cấp quản lý và thanh tra nguồn TNN.

Luật cần cụ thể và dễ áp dụng

Nhìn chung, các đại biểu tham gia hội thảo đều bày tỏ sự tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật TNN sửa đổi, theo ý kiến của một số đại biểu, các quy định của dự thảo luật mới chỉ nêu những nguyên tắc chung mà chưa quy định rõ những vấn đề cụ thể như xử lý vi phạm, trách nhiệm của các chủ thể, các biện pháp chế tài...

Theo ý kiến đóng góp của đại diện Sở Công thương TPHCM, không cần thiết phải phân cấp trong quản lý TNN, mà chỉ định trách nhiệm, tập trung. Có thể thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm cho công tác quản lý nguồn TNN, có nhiệm vụ giám định, kiểm soát và bảo vệ nguồn TNN. Bên cạnh đó, cần công khai những địa chỉ, phương thức tiếp cận cơ quan có trách nhiệm để người dân có thể báo cáo những vi phạm nguồn nước kịp thời. Các thuật ngữ trong văn bản luật cần phải chính xác, cụ thể, tránh mang tính chung chung.

Đại diện Hội Phụ nữ TPHCM cũng cho rằng nên quy định cụ thể về công tác kiểm soát, cấp giấy phép khai thác và sử dụng nguồn nước, đặc biệt là nước dưới đất. Bên cạnh đó, cần thực hiện song song các hoạt động tuyên truyền, giáo dục với công tác quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm bằng quy định cụ thể, rõ ràng trong công tác bảo vệ nguồn TNN.

Nâng cao năng lực dự báo sự cố

Phát biểu đóng góp ý kiến về dự án Luật TNN sửa đổi, đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho rằng cần phải quan tâm đến công tác bảo vệ TNN, đảm bảo an ninh TNN bằng cách nâng cao năng lực dự báo sự cố ô nhiễm, suy giảm nguồn nước nhờ các hoạt động quan trắc và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị dự báo. Điều này là cần thiết và hết sức cấp bách, bởi nếu như đột nhiên xảy ra sự cố đối với nguồn TNN mà không có biện pháp giải quyết kịp thời sẽ gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến tình hình kinh tế và xã hội quốc gia.

Để giải quyết vấn đề này, cần phải tính đến quỹ đất dự phòng để dự trữ nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh nước khi xảy ra sự cố, hoặc xây dựng kế hoạch di dời các khu vực dự trữ nước đến địa điểm an toàn. Đồng thời, cần xây dựng hành lang an toàn đối với các khu vực trữ nước. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố quan trọng cần được tính đến khi xây dựng các công trình cấp thoát và dự trữ nước, cũng như cần phải chú ý đến tác động của biến đổi khí hậu lên nguồn TNN. Mặt khác, nên bổ sung vai trò của các rừng phòng hộ đầu nguồn đối với công tác bảo vệ nguồn TNN trong các mục về tuyên truyền bảo vệ nguồn TNN.

Hiếu Thượng

Tin cùng chuyên mục