
Cầu Đồng Nai nằm trên Quốc lộ 1A (QL1A) tại vị trí Km 1873 + 275 giáp ranh 3 địa phương: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, chưa phải là “già” so với nhiều cây cầu khác ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, chiếc cầu này lại có một hồ sơ “sức khỏe” không khả quan chút nào.
Cây cầu này đã qua 3 lần sửa chữa lớn. Xây dựng năm 1964, đưa vào sử dụng năm 1968, năm 1991 - 1992 Công ty Công trình giao thông 61 (Cienco6) tiến hành gia cố bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép (BTCT) dày 17cm và thay mới hai khe co giãn nhịp 1 và 2.

Ùn tắc trên cầu Đồng Nai (ảnh chụp sáng 15-8-2005).
Năm 1997 Công ty Công trình giao thông 68 (Cienco6) làm mới bản mặt cầu bê tông liên hợp dầm thép dày 17cm, phủ lớp bê tông nhựa nóng 3cm và thay mới 15 khe co giãn cao su từ nhịp 3 đến nhịp 8. Lần sửa chữa lớn gần đây nhất là từ năm 2001 đến đầu 2004 do Công ty Cầu 3 Thăng Long thi công với kinh phí trên 16 tỷ đồng.
Điều đáng nói là dù đã phải “chữa bệnh” đến 3 lần như thế nhưng “sức khỏe” của cầu Đồng Nai chưa khả quan lắm. Kết quả kiểm định cuối năm 2004 của Công ty tư vấn Đại học Xây dựng chỉ ra rằng cầu Đồng Nai đã xuất hiện những “triệu chứng” khá nguy hiểm. Bản bê tông cốt thép mặt cầu bị nứt ngang nhiều vị trí, nước ngấm vào làm han rỉ cốt thép. Gối của dầm treo bị han gỉ kết cấu thép.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là 3 lần “chữa bệnh” nêu trên không có hiệu quả. Đơn giản chỉ là vì lần sửa chữa thứ 3 đáng lẽ phải có đủ 30 tỷ đồng mới đủ sức chữa trị hoàn toàn “căn bệnh” của cầu Đồng Nai nhưng chủ đầu tư công trình là Khu quản lý đường bộ 7 lúc bấy giờ lại chỉ có 16 tỷ đồng nên việc sửa chữa cầu chỉ dừng ở một mức độ nhất định. Dự kiến phải sang năm 2006 mới có thể khởi công sửa chữa phần tăng cường chịu lực của dầm thép và bản mặt cầu.

Nhiều dầm thép của cầu Đồng Nai đã bị hen gỉ
Đáng lo ngại là trong bối cảnh này, tình trạng ùn tắc giao thông ở hai đầu cầu Đồng Nai lại diễn ra khá thường xuyên do lực lượng bố trí điều tiết giao thông ở đây quá mỏng.
Họ hầu như bất lực trước việc có quá nhiều xe container loại 40 feet, xe tải chở đất đá vượt tải trọng cho phép của cầu là 27,3 tấn, qua cầu khi mà các trạm cân tải trọng xe ở khu vực này không còn nữa.
Như vậy có thể nói, tình trạng an toàn giao thông trên cầu Đồng Nai đang ở mức rất nguy hiểm và sẽ nguy hiểm hơn nếu ngành chức năng không có ngay các biện pháp cấm xe quá tải qua cầu, chống ùn tắc giao thông ở đây và sửa chữa ngay những hỏng hóc của cầu.
Hiện Công ty sản xuất vật liệu giao thông 7 thuộc Khu quản lý đường bộ 7 đã trù bị hai phương án lưu thông, thứ nhất sẽ từ TPHCM - QL1K - cầu Hóa An - Biên Hòa - QL1K và ngược lại; thứ 2 đi từ TPHCM - ngã ba Tân Vạn - đường tỉnh 743 - cầu Gềnh (cầu đường sắt) - Biên Hòa - QL1A và ngược lại trong trường hợp phải ngưng giao thông ở cầu Đồng Nai để tiến hành sửa chữa cầu. Một giải pháp khá hợp lý mà ngành chức năng nên tham khảo.
Lê Quân