Báo động “đỏ” từ các khu công nghiệp

Báo động “đỏ” từ các khu công nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra thống kê đáng lo ngại: 95/200 khu chế xuất, khu công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Điều này đồng nghĩa với việc đã và đang có hàng triệu mét khối nước thải ô nhiễm thải ra môi trường hàng ngày, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của hàng triệu người dân.

Khí thải, nước thải đều ô nhiễm

Ông Nguyễn Văn Thùy, Trung tâm quan trắc Môi trường trường, Tổng cục Môi trường cho biết, kết quả khảo sát chất lượng nước thải của các khu công nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành cho thấy, khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m³ nước thải/ngày từ các khu công nghiệp xả thẳng ra môi trường, không qua xử lý. Trong đó, tập trung nhiều nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An với hơn 400.000m³/ngày. Kế đến là vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) với gần 200.000m³/ngày; vùng kinh tế trọng điểm miền trung và cuối cùng là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Dòng nước đen ngòm tại một con kênh trong KCN Lê Minh Xuân, TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Dòng nước đen ngòm tại một con kênh trong KCN Lê Minh Xuân, TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không những 95 khu chế xuất, khu công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải mà những khu đã đầu tư rồi thì hệ thống xử lý vận hành không hiệu quả, thường xuyên xả nước thải chưa đạt yêu cầu ra môi trường. Tại TPHCM, 6/15 khu công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng bị phát hiện có nồng độ chất thải vượt quy chuẩn cho phép từ gần 2 lần đến gần 40 lần. Tương tự, tại Đà Nẵng, Bắc Ninh, Quãng Ngãi, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai… cũng liên tục vi phạm môi trường do xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép. Đó là chưa kể, hiện vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa kết nối hạ tầng, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ và vẫn lén lút thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Một vấn đề đáng lo ngại khác, tất cả các khu công nghiệp không có bất kỳ hệ thống thu gom và xử lý khí thải nào. Trong khi đó, phần lớn các nhà máy trong khu công nghiệp đều sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu và chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải cục bộ.

Ô nhiễm đang ăn sâu vào sức khỏe cộng đồng

Nước thải khu công nghiệp có thành phần rất đa dạng, chủ yếu là các chất lơ lững, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và kim loại nặng. Những vùng có chất lượng nước mặt bị suy thoái nghiêm trọng do phải hứng chịu tác động từ nguồn nước thải ô nhiễm này là lưu vực các sông Đồng Nai, Cầu, Nhuệ - Đáy. Có những đoạn nồng độ các chất thải như BOD, COD, SS, kim loại nặng… vượt quy chuẩn loại B. Riêng tại sông Hoài (Quảng Nam) do tiếp nhận nước thải từ khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc nên đã biến thành sông đen, gây mùi hôi thối đe dọa nghiêm trọng đến đời sống người dân. Hay kênh Bàu Lăng (Quảng Ngãi) – nơi cung cấp nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp nhưng do tiếp nhận nước thải từ khu công nghiệp Quảng Phú nên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, không thể sử dụng được… Còn về khí thải, nồng độ các chất như bụi, NO2, CO, SO2 và tiếng ồn quan trắc từ năm 2008 đến nay đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Cá biệt, tại Đà Nẵng, phát hiện nhiều doanh nghiệp xả khí thải vượt tiêu chuẩn đến hơn 100 lần.

Điều đáng nói, những chất thải này đã và đang thấm sâu vào môi trường nước, đất và nước, gây tổn hại không ít đến sức khỏe cộng đồng. Trước thực tế đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm hoàn thiện việc quản lý cấp phép đầu tư các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng ưu tiên dự án thân thiện môi trường. Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, những dự án sử dụng ít nhiên liệu, không thâm dụng lao động rẻ, có đóng góp giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường... sẽ được ưu tiên. Hai thập kỷ trước, chúng ta đưa ra chính sách thu hút đầu tư khá thoáng, rộng trên mọi lĩnh vực là hợp lý. Nhưng hiện tại, cần thay đổi để phát triển kinh tế phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Trong thời gian tới sẽ thu hút đầu tư một cách có chọn lọc.

Theo đó, ưu tiên cho những dự án có đóng góp giá trị gia tăng cao,  sử dụng ít nhiên liệu, không thâm dụng nhiều lao động giá rẻ. Ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, hiện bộ đã yêu cầu các địa phương tập lập kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2012. Theo đó, tập trung vào đề xuất và áp dụng các giải pháp xử lý triệt để chất phát sinh ở các đô thị, khu công nghiệp, đảm bảo các khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Từ đó, tạo cơ sở để xử lý làm sạch các nguồn nước đặc biệt ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Đồng Nai và các sông, ao hồ, kênh, mương.

TRANG THI

Tin cùng chuyên mục