Báo động dư nguồn cung xi măng

Tình trạng đầu tư mới ồ ạt cùng với việc nâng cấp, cải tạo lại công suất các nhà máy hiện hữu đang đặt ngành xi măng trước nguy cơ dư thừa hàng chục triệu tấn xi măng mỗi năm.

Áp lực cạnh tranh, thua lỗ

Theo thống kê mới nhất của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong nửa năm 2018 tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 45 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt trên 50% kế hoạch của cả năm 2018.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, với tốc độ phát triển như hiện nay, chỉ trong thời gian ngắn ngành xi măng sẽ bị dư thừa nguồn cung. Bởi nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm nay, tổng công suất thiết kế toàn ngành đã lên đến gần 110 triệu tấn/năm.

Chưa kể, các nhà máy xi măng đã đi vào sản xuất hiên nay cũng không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ, nên năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên tới 120 - 130 triệu tấn/năm.

Báo động dư nguồn cung xi măng ảnh 1 Nhà máy xi măng liền kề nhau tại huyện Nhà Bè Ảnh: CAO THĂNG
Trong khi đó, theo dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì đến năm 2020 sẽ dư thừa từ 36 - 47 triệu tấn; còn theo dự báo trong quy hoạch, với khả năng tiêu thụ trong nước năm 2020 là 93 triệu tấn, sẽ dư thừa khoảng 25 - 36 triệu tấn.

Mặc dù tình trạng dư thừa mặt hàng xi măng đang ở mức báo động, nhưng hàng loạt dự án, dây chuyền sản xuất xi măng mới vẫn đang cấp tập bổ sung vào năng lực cung ứng cho toàn ngành. Cụ thể, năm 2017 đưa vào vận hành 3 dự án sản xuất lớn với tổng công suất trên 10 triệu tấn/năm. Còn kết thúc năm 2018, dự kiến sẽ đưa nhiều dự án vào sản xuất, với tổng công suất khoảng trên 12 triệu tấn/năm.

“Nguyên nhân của tình trạng dư thừa lớn sản phẩm xi măng tại Việt Nam là do công suất của ngành tăng mạnh. Chỉ tính riêng Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), đơn vị này hiện sở hữu 10 doanh nghiệp (DN) thành viên và đang nỗ lực lo tiêu thụ trong bối cảnh dư cung, còn thị trường xuất khẩu thì lúc nắng lúc mưa”, chuyên gia kinh tế - TS Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, nhận định.

Giãn tiến độ các dự án

Dù phát triển mạnh công suất nhưng ngành xi măng Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, năng suất lao động rất thấp, không đồng đều, dao động từ 1.000 tấn/người/năm đến 8.000 tấn xi măng/người/năm, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Năng suất lao động của DN xi măng trong nước cũng thấp hơn nhiều so với DN liên doanh với nước ngoài. Kế đến là công nghệ khai thác mỏ, đa số còn lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, chưa sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.

Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để thực trạng trên, cần phải đánh giá lại ngành sản xuất xi măng và sớm có những giải pháp đồng bộ để vẫn phát triển sản xuất nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và cần lưu ý không để tình trạng DN nước ngoài lợi dụng khó khăn để thôn tính DN xi măng trong nước, gây tổn hại lợi ích quốc gia.

Đặc biệt, không để các tập đoàn xi măng nước ngoài thôn tính nhà máy xi măng lớn trong nước đang có lợi thế cạnh tranh, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, có địa thế ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, biến nước ta thành nơi cung cấp tài nguyên, năng lượng, lao động.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng mới từ nay đến 2025, đồng thời cho đẩy mạnh đầu tư cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản nhiên liệu, sử dụng nhiều phế thải công nghiệp thay thế, sử dụng năng lượng tái tạo, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã hoàn thành lập, thẩm định Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo hướng hạn chế đến mức thấp nhất những dự án tại các khu vực có nhiều nhà máy xi măng, mở rộng đầu tư công suất lớn, công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường thêm các chính sách khuyến khích và bắt buộc trong sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung. Những giải pháp này giúp kiểm soát gia tăng áp lực nguồn cung, đẩy mạnh sức tiêu thụ, nhất là thị trường trong nước, từng bước định hình lại sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng, trong đó có ngành xi măng.

Tuy nhiên, ưu tiên giải pháp trước mắt là thực hiện tái cơ cấu lại các DN đang làm ăn thua lỗ; nâng cao năng suất lao động, áp dụng công nghệ mới, cân đối nguồn cung - cầu, giúp các DN xi măng phát triển ổn định.

TS Trần Minh Ngọc cũng cho rằng, một nghịch lý đang xảy ra ở ngành xi măng trong nước hiện nay là trong khi Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực đã giảm công suất hoặc dừng xuất khẩu, thì Việt Nam lại đang có xu hướng tăng công suất.

Điều này đang đặt ra mối lo ngại không chỉ là đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, tăng áp lực cạnh tranh dẫn đến thua lỗ của một số DN xi măng mà còn vấn đề về môi trường, tiết kiệm điện và sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế chưa hiệu quả…

Tin cùng chuyên mục