Vụ bê bối quỹ bảo hiểm xã hội xảy ra tại thành phố Changwon đã làm xứ Kim chi phải ngỡ ngàng trước quy mô lớn của nó. Số người dính líu đến đường dây gian lận quỹ bảo hiểm xã hội lên đến 1.361 người, trong đó có nhiều y tá, bác sĩ. Những người này đã đút túi hơn 9,5 tỷ won (8 tỷ USD) từ 33 công ty bảo hiểm trong vòng 4 năm từ năm 2007 đến năm 2011 mà không hề bị phát hiện.
Nhằm rút ruột hệ thống bảo hiểm xã hội quốc gia, bệnh viện tại Changwon đã làm giả nhiều giấy khám, điều trị sức khỏe cho các bệnh nhân tình nguyện thông qua sự tuyển chọn có hệ thống. Các bệnh nhân giả được sắp xếp để kiểm tra sức khỏe tại ba bệnh viện “có thỏa thuận hợp tác chia sẻ bệnh nhân”. Ở mỗi bệnh viện, những bệnh nhân giả này sẽ mắc các chứng bệnh khác nhau để qua mặt quá trình kiểm tra của công ty bảo hiểm.
Ba bệnh viện này còn lôi kéo thêm nhiều nhân viên môi giới để hồ sơ xét duyệt của những bệnh nhân giả mau chóng được thông qua. Nhờ vậy, những người tham gia được tới 7 triệu won/người, còn những bệnh nhân giả cũng nhận được những khoản tiền không nhỏ. Báo Korea Herald nêu một ví dụ từ một bệnh nhân giả có độ tuổi trung niên. Trong 3 năm, ông ta được khai khống bệnh án là phải nằm điều trị trị 564 ngày. Sau thời gian đó, ông ta nhận được số tiền bảo hiểm lên tới 95 triệu won.
Vụ việc ở Changwon tương tự như vụ bê bối tại Taebaek tháng 11 năm ngoái. Tuy có quy mô nhỏ hơn với 400 người bị dính líu, nhưng tổng thiệt hại của ngành bảo hiểm Hàn Quốc cũng lên đến hàng triệu USD. Cơ quan điều tra Hàn Quốc cho biết, năm ngoái có đến 70.000 người bị phát hiện có ý định làm giả hồ sơ bệnh án để nhận tiền bảo hiểm. Những vụ bê bối diễn ra tại Hàn Quốc cho thấy sự đáng báo động về tình trạng y đức xuống cấp tại các bệnh viện ở nước này. Khoác áo blouse trắng, đảm nhận vai trò là những người xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân, nhưng họ lại dùng mọi thủ đoạn để bòn tiền của hệ thống bảo hiểm xã hội quốc gia từ các công ty bảo hiểm nhà nước lẫn tư nhân.
Vài năm gần đây, cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc đã kiến nghị xây dựng các bộ luật nhằm giám sát chặt chẽ hơn các quỹ bảo hiểm xã hội, đưa ra các khung hình phạt cao hơn để hạn chế thất thoát tiền cho những hồ sơ khống nhưng quốc hội Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra một quyết định cụ thể. Để chống lại nạn gian lận bảo hiểm xã hội, các công ty bảo hiểm được khuyến cáo là nên phản ứng quyết liệt hơn khi phát hiện những hồ sơ có vấn đề và tiến hành điều tra. Từ trước tới nay, để gìn giữ danh tiếng và loại bỏ những nguy cơ cạnh tranh trên thị trường, họ thường chọn biện pháp trả tiền hoặc dàn xếp trong nội bộ. Điều này càng khiến tình trạng gian lận bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng.
Để chấm dứt những bê bối đang lây lan tại hệ thống bảo hiểm xã hội, việc ngăn chặn những tội phạm bòn rút tiền từ chương trình bảo hiểm xã hội Hàn Quốc đang là ưu tiên hàng đầu của chính quyền, nhằm thanh lọc hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này. Điều đó không chỉ bảo đảm sự công bằng, khôi phục niềm tin của người dân với bảo hiểm y tế, mà còn là nền tảng quan trọng cho sự ổn định xã hội tại Hàn Quốc.
THANH HẰNG