(SGGP).- Công bố từ các chuyên gia Chính phủ Đức qua khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại TPHCM cho thấy, bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micro mét tăng cao, nhiều hơn gấp 23 lần so với các thành phố tại Đức. Điều này xuất phát từ tình trạng số lượng phương tiện giao thông, nhất là phương tiện cá nhân tăng cao.
Mặt khác, Việt Nam đang trong thời điểm thu hút mạnh đầu tư nước ngoài nên số lượng nhà máy sản xuất thành lập và đi vào hoạt động nhiều. Thế nhưng, hệ thống hạ tầng cần thiết để kiểm soát, phát hiện và ngăn ngừa tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ những chủ nguồn thải còn rất hạn chế.
Riêng tại TPHCM, đến thời điểm hiện nay chỉ có 9 trạm quan trắc không khí tự động nhưng lại xuống cấp trầm trọng, số liệu không liên tục. Các điểm quan trắc chủ yếu tập trung ở nội thành, không phản ánh đúng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Với hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt và thủy văn, một vài vị trí quan trắc nằm quá xa khu vực cần quan trắc, trạm quan trắc kênh rạch nội đồng cũng quá ít… Hệ thống trạm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ thì chỉ có 2 điểm. Còn quan trắc nước dưới đất không phản ánh được quy luật biến đổi tự nhiên, mạng quan trắc còn quá thưa…
Các chuyên gia môi trường khẳng định, bụi mịn là tác nhân gây nguy hại sức khỏe nhất bởi khả năng thâm nhập sâu vào phổi, máu của cơ thể người, gây nên các căn bệnh như tiểu đường, tim mạch. Giảm ô nhiễm nồng độ bụi mịn hiện nay là rất cấp thiết. Giải pháp trước mắt là TPHCM phải phát triển mạng lưới phương tiện công cộng để giảm lượng xe cá nhân. Về lâu dài, hoàn thiện hệ thống quan trắc chất lượng môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng. Hệ thống này không chỉ kiểm soát nồng độ ô nhiễm tại TP mà còn phải liên kết với hệ thống kiểm soát môi trường trong toàn khu vực.
ÁI VÂN