Báo động ô nhiễm hồ Dầu Tiếng

(SGGP).- Ngày 28-4, tại Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam diễn ra buổi hội thảo, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước hồ Dầu Tiếng tỉnh Tây Ninh khi có hồ Phước Hòa (Bình Phước) cung cấp thêm nguồn nước cho khu vực hưởng lợi.

(SGGP).- Ngày 28-4, tại Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam diễn ra buổi hội thảo, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước hồ Dầu Tiếng tỉnh Tây Ninh khi có hồ Phước Hòa (Bình Phước) cung cấp thêm nguồn nước cho khu vực hưởng lợi.

Tại hội thảo, ông Vũ Đức Hùng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng, cho biết, chất lượng nước lòng hồ Dầu Tiếng ngày càng không đảm bảo do bị ô nhiễm. Đây là hậu quả của việc nhiều nhà máy sơ chế mủ cao su, nhà máy chế biến khoai mì (sắn) xả nước thải vào lòng hồ. Cùng lúc đó, các trại chăn nuôi, nhất là nuôi heo, ở những cù lao trong hồ cũng xả nước thải trực tiếp. Khi mực nước hồ Dầu Tiếng xuống 17,28m, nếu đi ngang qua khu vực này mùi hôi thối rất khó chịu. Đây là những điều nằm ngoài thẩm quyền quản lý và kiểm soát của công ty.
 
Thật ra, tình trạng ô nhiễm nguồn nước hồ Dầu Tiếng đã có từ nhiều năm trước dù theo yêu cầu về đảm bảo chất lượng nguồn nước cho sản xuất và nước sinh hoạt, không cho phép nuôi trồng thủy sản trên mặt nước. Nhưng ngay từ năm 2005 có hơn 1.200 lồng bè nuôi cá của gần 200 hộ dân làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

Theo kết quả khảo sát chất lượng nước mặt hồ, các chỉ tiêu chất lượng nước ngọt bảo vệ đời sống thủy sinh đều vượt chỉ tiêu cho phép...

Do rừng đầu nguồn bị khai thác, chuyển qua trồng cao su hoặc đất nông nghiệp hay làm đập ngăn dòng để tưới cây trồng nên nguồn nước về hồ Dầu Tiếng mùa khô hầu như không còn. Trong 26 năm qua, chỉ 2 lần hồ Dầu Tiếng tích dư nước phải xả.

Với nguồn nước còn lại này, việc cung cấp nước tưới vừa cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt và hoạt động công nghiệp vừa làm nhiệm vụ xả lũ đẩy mặn trên sông Sài Gòn cho Nhà máy Nước Tân Hiệp (TPHCM) là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục