Chất lượng không khí đang bị suy giảm, đặc biệt là tại các đô thị lớn, trong đó có TPHCM. Vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu là bụi và đang có chiều hướng gia tăng tại các tuyến đường đô thị, khu dân cư gần các tuyến đường giao thông, khu vực đang trong quá trình xây dựng và khu vực tập trung hoạt động sản xuất.
Ô nhiễm nghiêm trọng
Ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, trừ chất lượng không khí tại khu vực nút giao thông Hàng Xanh đã được cải thiện đáng kể so với những năm trước, tại nhiều khu vực khác, những chỉ tiêu về môi trường không khí đều vượt chuẩn cho phép. Cụ thể, tổng lượng bụi lơ lửng vượt ngưỡng cho phép lên đến 2,47 lần, thậm chí có những tháng nồng độ bụi vượt lên 5,17 lần quy định cho phép. Những điểm nút giao thông có nồng độ bụi cao nhất là ngã ba Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, ngã tư Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng, An Sương, Gò Vấp và Phú Lâm, tăng từ 6% - 18% so với năm trước. Riêng khu vực Gò Vấp đáng lo ngại hơn khi nồng độ CO tăng đến 41% so với cùng kỳ năm trước. Về nồng độ benzen, hầu hết tại các khu vực trên địa bàn thành phố đều đã vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.
Không dừng lại đó, kết quả khảo sát còn cho thấy, tại khu dân cư, nồng độ chì được phát hiện cao so với quy chuẩn cho phép. Còn tại khu vực xung quanh các khu công nghiệp tập trung, chất lượng môi trường không khí vẫn trong tình trạng xấu. Đặc biệt là tại các khu công nghiệp cũ, do các doanh nghiệp đang hoạt động vẫn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường nên vẫn thải ra một lượng lớn khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Hiện mức độ ô nhiễm không khí cũng thay đổi tùy từng thời điểm và từng khu vực khác nhau. Trong đó, ô nhiễm không khí thường đạt giá trị cao vào thời điểm từ 7-10 giờ sáng và 18-21 giờ đêm, thấp nhất khoảng từ 2-4 giờ sáng.
Kiệt sức vì khí thải
PGS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, nguy hại nhất của việc phải sống trong môi trường không khí ô nhiễm là người dân sẽ dần dần bị kiệt sức vì những căn bệnh không rõ nguyên nhân. Đơn cử, tiếp xúc nồng độ bụi cao trong không khí sẽ có nguy cơ mắc phải những bệnh về đường hô hấp và phổi như bệnh phổi nhiễm trùng; ung thư hệ thống hô hấp (ung thư phổi, màng phổi); bệnh hệ thống đường dẫn khí (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...). Tiếng ồn cũng tác động xấu đối với sức khỏe người và hạ thấp chất lượng cuộc sống, hạn chế trao đổi thông tin, làm phân tán tư tưởng, dẫn đến giảm hiệu quả lao động. Tiếng ồn còn quấy rối sự yên tĩnh và giấc ngủ của con người. Nếu tiếp xúc lâu dài với mức ồn cao, con người có thể mắc bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh và bị trầm trọng thêm đối với các bệnh về tim mạch và huyết áp…
Trẻ em cũng được xác định là một trong những đối tượng chịu tổn hại nặng nề nhất của môi trường không khí ô nhiễm. Thực trạng nồng độ chì đo được trong không khí luôn vượt chuẩn cho phép sẽ khiến não của trẻ bị nhiễm hoặc tích tụ tạo nên nhiễm độc nặng. Còn benzen xâm nhập vào cơ thể người qua da và qua phổi. Khi xâm nhập, chừng 75% - 90% được cơ thể thải ra trong vòng nửa giờ, phần còn lại tích lũy trong mỡ, tủy xương, não, sau đó được bài tiết rất chậm ra ngoài. Phần benzen tích luỹ sau này có thể gây rối loạn ôxy hóa - khử của tế bào dẫn đến tình trạng xuất huyết bên trong cơ thể…
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hàng năm. Cụ thể, năm 2007 là gần 4 tỷ USD/tổng sản phẩm nội địa 71 tỷ USD. Năm 2008 tăng lên 4,2 tỷ USD/tổng sản phẩm nội địa 76 tỷ USD. Ngoài ra, hàng năm Việt Nam còn phải chi 780 triệu USD cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên. Chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét khoảng 400 tỷ đồng. Thêm vào đó, bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng không nhỏ đến người thân, tạo nên chi phí gián tiếp do nghỉ học, nghỉ làm khiến cả người bệnh và người chăm sóc bị giảm 20% thu nhập.
Có thể nói, những thiệt hại do ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí đã thể hiện khá rõ qua những con số. Tuy nhiên, điều đáng tiếc cho đến nay việc khắc phục thực trạng ô nhiễm này vẫn còn hạn chế.
MINH XUÂN