Báo động ô nhiễm rác và lục bình trên kênh rạch

Báo động ô nhiễm rác và lục bình trên kênh rạch

Thời gian gần đây, lục bình phát triển mạnh trên hệ thống kênh rạch của TPHCM, kết hợp với một lượng lớn rác thải không được vớt thường xuyên gây tắc nghẽn dòng chảy và ảnh hưởng đáng kể hệ thống giao thông thủy của thành phố.
 
Khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho thấy, thành phố có khoảng 170 kênh rạch với gần 700km bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn cản dòng chảy gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Tình trạng này càng trầm trọng hơn tại những tuyến kênh rạch cụt, không có đường thoát nước hay những tuyến kênh chạy trong các khu dân cư. Lý giải thực tế trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP cho biết, nguyên nhân là do lượng lớn lục bình từ khu vực thượng nguồn theo dòng chảy sông Sài Gòn, Đồng Nai trôi dạt về. Sau đó, theo phân nhánh tràn vào hệ thống kênh rạch nội thành và phát triển mạnh thêm. Hiện nay, những quận - huyện bị ô nhiễm kênh rạch nặng do tập trung dày đặc lục bình là: 2, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ.

Phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp giảm áp lực xử lý rác thải hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG
Phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp giảm áp lực xử lý rác thải hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG

Những mảng lục bình dày đặc cộng với sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân thường xả rác ra kênh rạch đã khiến cho tình trạng tắc nghẽn dòng chảy diễn ra hết sức phức tạp. Đơn cử như tại rạch Bàu Trâu, quận 6; rạch Lăng, quận Bình Thạnh; rạch Ven đường sông Lu, huyện Củ Chi… Những con rạch này đang trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm. Thậm chí, tại kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là hai tuyến kênh được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cải thiện cũng đang có nguy cơ ô nhiễm rác thải và lục bình.
 
Kênh rạch không những có chức năng tiêu thoát nước, giúp giảm ngập mà còn tạo mỹ quan xanh cho thành phố. Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm kép do lục bình và rác như hiện nay, thì kênh rạch của thành phố không những không thể đảm được vai trò vốn có của nó mà còn có nguy cơ biến thành những điểm phát sinh dịch bệnh.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo nhiều quận - huyện và cơ quan chức năng cho biết, đã khá lâu rồi thành phố không còn cấp kinh phí để thực hiện vớt rác và lục bình trên hệ thống kênh rạch, ngoại trừ một số kênh rạch vừa mới được cải tạo như Tàu Hủ - Bến Nghé và Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hệ quả là gần như toàn bộ hệ thống kênh rạch còn lại của thành phố đều bị đặc nghẹt rác. Tình trạng lục bình phát triển nhanh trong thời gian gần đây càng khiến cho ô nhiễm trầm trọng hơn. Lục bình đan xen tạo thành những mảng lớn làm nơi tích tụ các loại rác và xác động vật dồn ứ, nhất là tại những đoạn kênh rạch chảy qua các khu dân cư, rác đọng lâu ngày phân hủy kết hợp với thời tiết nắng nóng suốt nhiều tháng qua đã tạo mùi hôi thối nồng nặc.
 
Theo ý kiến của đại diện nhiều quận - huyện, để cải thiện thực trạng ô nhiễm, của hệ thống kênh rạch, thành phố cần thiết phải xây dựng lại nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động thu gom, vớt rác trên hệ thống kênh rạch. Mặt khác, do các tuyến kênh rạch thường kéo dài và đan xen theo địa giới hành chính nhiều quận - huyện, rác trên hệ thống kênh rạch cũng khác với trên bờ vì thường di chuyển theo dòng chảy, vì thế, để công tác cải thiện chất lượng môi trường hệ thống kênh rạch đạt hiệu quả, cần thiết phải thực hiện đồng bộ, thống nhất lực lượng thu gom và xử lý. Có thể nói, tình trạng ô nhiễm kênh rạch đã trên mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống của người dân.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục