Nỗi đau dai dẳng
Mới đây, Bệnh viện (BV) Quận Thủ Đức vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (57 tuổi, ở Bình Dương) vào cấp cứu trong tình trạng bị một cây đinh đâm xuyên thành bụng. Bệnh nhân làm thợ hồ, bị tai nạn do sử dụng súng bắn đinh trong quá trình lao động. Theo thói quen, bệnh nhân thường dắt thêm vài chiếc đinh vào lưng quần để tiện cho quá trình làm việc, nhưng khi đang kéo dây kẽm để phục vụ công việc thì dây kẽm bị đứt làm bệnh nhân té ngã và bị đinh ghim vào thành bụng. May mắn là các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời, tiến hành rút đinh và cầm máu cho bệnh nhân.
Một ca tai nạn thương tâm cũng vừa xảy với anh P.A.T. (30 tuổi, làm việc tại công trình xây dựng tại quận Bình Thạnh). Một đồng nghiệp của anh T. kể, trong quá trình xây dựng anh T. đã ngã từ giàn giáo xuống đất và bị 4 thanh sắt đâm xuyên thấu vùng bụng và đùi. Ngay lập tức, anh T. được đưa đến BV Nhân dân Gia Định. Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ không thể rút thanh sắt ra mà phải dùng cưa để cắt. Bệnh nhân được xác định thủng ruột, gãy xương sườn, xương đùi. Sau khi sơ cứu, anh T. được chuyển lên Khoa Ngoại để tiến hành phẫu thuật. Hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định. Không may mắn như anh T., tại BV Nhân dân Gia Định, anh N.Đ.D. (25 tuổi, làm thợ hồ) đã tử vong trên đường đưa đến BV do bị điện giật trong quá trình trộn bê tông đổ móng cho một công trình nhà ở tại quận Bình Thạnh... Đó chỉ là một vài trường hợp nhập viện do TNLĐ trong thời gian qua, theo các bác sĩ, thực tế có rất nhiều vụ TNLĐ để lại nhiều hệ lụy đau lòng cho gia đình và xã hội. Vì một phút bất cẩn hay những nguyên nhân khách quan khác, nhiều nạn nhân của TNLĐ ra đi vĩnh viễn, có người may mắn sống sót nhưng mang thương tật suốt đời.
Đừng quá chủ quan
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sử, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, thời gian qua, khoa cấp cứu bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 - 15 trường hợp TNLĐ từ nhẹ đến nặng, chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng; càng về cuối năm thì càng tăng. Phần lớn nguyên nhân của những vụ TNLĐ xuất phát từ thái độ chủ quan, lơ là của người lao động; từ việc thiếu trách nhiệm của người sử dụng lao động như cố ý không chấp hành Luật An toàn vệ sinh lao động, thiếu quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện lao động, đưa vào sử dụng máy móc, thiết bị không bảo đảm an toàn, không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, bố trí lao động làm việc không phù hợp… Bác sĩ Nguyễn Thanh Sử khuyến cáo, thời điểm cận tết đang đến rất gần, người lao động đừng vì áp lực phải kịp tiến độ mà lơ là bỏ qua các quy định, quy trình về an toàn lao động. Người sử dụng lao động cũng phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ, luôn nhắc nhở kiểm tra an toàn lao động.
Trong trường hợp nếu chẳng may bị TNLĐ, đồng nghiệp hay người chứng kiến tùy theo từng nhóm nguyên nhân khác nhau mà có hành động phù hợp. Nếu chẳng may bị điện giật khi vận hành máy thì cần phải ngắt điện trước khi vào cứu bệnh nhân, kiểm tra bệnh nhân nếu thấy ngưng tim, ngưng thở thì gọi người giúp đỡ, tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực song song với việc đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhất. Nếu té từ trên cao xuống thì phải cho bệnh nhân nằm trên mặt phẳng cứng, giúp bệnh nhân bất động - nhất là cột sống cổ, nẹp cố định chi gãy. Nếu mất chi do máy cắt thì cần dùng garo cầm máu, cho chi bị cắt rời vào túi ni lông và cho túi vào thùng đá, không nên để chi tiếp xúc trực tiếp với đá. Nếu bị vật nhọn đâm xuyên thì không nên cố rút khỏi cơ thể, cần cố định và đưa đến cơ sở y tế gần nhất...
“Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người. Người lao động dùng sức lao động của mình để làm công hưởng lương thì cần phải hết sức yêu quý, trân trọng sức khỏe, tính mạng của mình. Người lao động và người sử dụng lao động cần tuân thủ các quy định về an toàn lao động để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Nguyễn Thanh Sử khuyến cáo. |