Số vụ TNLĐ chết người tăng cao
Sáng 5-11, đang lúc thi công trên tầng 4 của công trình xây dựng nhà cao tầng (48 Mai Xuân Thưởng, phường 11, quận Bình Thạnh), nam công nhân tên N. (21 tuổi, quê An Giang) bất ngờ té ngã, rơi xuống đất. Nạn nhận được người dân nhanh chóng chuyển đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Trước đó 2 tháng, 2 công nhân khác là Hà Văn K. (58 tuổi, quê Vĩnh Phúc) và Nguyễn Thị Quắng (59 tuổi, quê Trà Vinh) cũng bị té từ trên cao, tử vong tại công trình Khu trung tâm thương mại và căn hộ Saigon Homes (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) do giàn giáo công trình này đổ sập. Đó là 2 trong số hàng chục vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn TPHCM chỉ trong 3 tháng qua.
Để kéo giảm TNLĐ, theo TS Trịnh Hồng Lân, Phân viện trưởng Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường miền Nam, cần phải tích cực chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc. Hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chủ động phòng ngừa, mà thường chỉ khi xảy ra sự cố mới bắt đầu khắc phục. Bên cạnh đó, để xây dựng văn hóa an toàn tại các doanh nghiệp đi vào thực chất, chính các doanh nghiệp phải chủ động thiết lập được ý thức, tác phong công nghiệp và thói quen làm việc an toàn với bất kể công việc nào. |
“Đây chỉ là con số do quận, huyện và cơ sở báo cáo. Trên thực tế, số vụ TNLĐ, số người chết và bị thương còn cao hơn nhiều do chủ cơ sở, quản lý lao động ém nhẹm, che giấu thông tin”, một cán bộ Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM chia sẻ.
Hậu quả từ các vụ TNLĐ nặng nề, kinh khủng vậy, song thực tế hiện nay, hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động vẫn diễn ra tràn lan.
Ghi nhận của chúng tôi tại công trình xây dựng nằm trên đường Số 1 Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân), dù đã thi công đến tầng thứ 3, đơn vị thi công vẫn không gắn lưới chắn xung quanh. Trên tầng thượng, nhiều công nhân đang đứng tô tường, đổ bê tông nhưng không thắt dây an toàn, đội nón bảo hộ, dù pháp luật quy định khi thi công ở công trình cao hơn 10m thì phải thực hiện các nội dung này. Phía bên dưới, ổ cắm điện, dây điện nối đến các máy trộn bê tông, máy khoan bị bong tróc vỏ, được công nhân để chìm dưới những vũng nước đọng….
Ngoài các lỗi tương tự, nhiều công trình xây dựng nhà phố nằm trong khu dân cư Dương Hồng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), khu dân cư Đồng Diều (quận 8) còn vi phạm các lỗi khác, như khi di chuyển từ tầng thấp lên tầng cao trên giàn giáo, công nhân còn mang theo bay tô, búa, thùng chứa bê tông…
Nguy hiểm vậy, nhưng khi chúng tôi đề cập đến vi phạm không thắt dây an toàn, một công nhân thi công tại một công trình trong khu dân cư Đồng Diều nói rất vô tư: “Đeo dây, đội nón chi cho vướng, khó làm. Tụi em làm hơn chục công trình rồi, có kinh nghiệm nên không sợ tai nạn. Còn về xử phạt, anh khéo lo, có khi nào thanh tra đến phạt mấy lỗi vụn vặt này đâu”.
Kéo giảm TNLĐ: Khó?
Nói về các giải pháp kéo giảm TNLĐ trong xây dựng, lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM nhìn nhận, thời gian qua, giải pháp thực hiện nhiều nhưng kết quả chẳng đạt bao nhiêu. “Một phần do quân số lực lượng chức năng mỏng, khó có thể kiểm soát, xử lý hết các vi phạm. Phần khác do ý thức chấp hành luật của một bộ phận chủ sử dụng lao động kém”, đại diện lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho hay. Vị này cho rằng, muốn kéo giảm TNLĐ hiệu quả, không chỉ riêng lực lượng thanh tra của 2 sở LĐTB-XH và Xây dựng mà cả chính quyền, công an cơ sở phải quyết liệt hơn trong từng giải pháp.
Ông Nguyễn Anh Thơ phân tích, TPHCM là đô thị đặc biệt, do đó cần có quy chuẩn riêng về nhận diện và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc đối với lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ. Trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có quy chuẩn địa phương, hiện nay chúng ta chỉ mới phát huy, áp dụng được đối với cần cẩu tháp. TPHCM có thẩm quyền để ban hành những quy chuẩn riêng, có yêu cầu cao hơn quy chuẩn chung trong cả nước. Luật cho phép TPHCM làm điều đó. Ví dụ, TPHCM có thể yêu cầu trình độ của người lao động trong các công trình xây dựng ở thành phố phải cao hơn ở khu vực khác thế nào; có quyền yêu cầu các chương trình đào tạo, huấn luyện an toàn lao động có các yêu cầu khác hơn; các tiêu chí đối với máy móc, thiết bị, kiểm định… |
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB-XH), khi phân tích thiệt hại TNLĐ, thường thì doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước chỉ đánh giá trên hóa đơn thanh toán tiền viện phí, hay những chi phí bồi thường, chi phí sửa chữa thiết bị, chưa tính được hết các chi phí cơ hội của người lao động khi họ mất khả năng làm việc, không tham gia thị trường lao động. Do không đánh giá đúng và đủ hậu quả của TNLĐ nên hình thức xử lý, khắc phục hậu quả cũng chưa hợp lý. Trên thực tế, có nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng nhưng vẫn không bị khởi tố hình sự vì những lý do nêu trên. Tồn tại này kéo dài khiến các chủ cơ sở vi phạm các quy định về an toàn lao động bị “lờn luật”, tính răn đe không có, theo đó TNLĐ phát sinh nhiều.