Mỗi tháng 20 trẻ nhập viện
Theo các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP, trung bình mỗi tháng, BV này tiếp nhận khoảng 20 ca bệnh nhi uống nhầm hóa chất, xăng dầu và các chất độc hại khác nhau.
Gần đây nhất, BV vừa cứu được một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì uống nhầm xăng.
Trước đó, ngày 17-3, BV Nhi đồng TP tiếp nhận bé V.G.B. (17 tháng tuổi, ngụ tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, phải thở qua ống nội khí quản, mạch nhanh trên 200 lần/phút.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị tổn thương gan, thận, tổn thương phổi nặng, xuất huyết phổi, tri giác hôn mê, phổi mờ trắng xóa 2 bên, nguy cơ tử vong lên đến 80%.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước đó 2 ngày, cháu bé thấy chai nước giải khát ở gốc cây bên sân nhà nên đã mở nắp và uống, nhưng bên trong lại chứa xăng. Sau khi uống, bé bị ho sặc sụa và ngay lập tức được người nhà đưa đến BV địa phương cấp cứu.
Bệnh nhi uống nhầm hóa chất đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM
Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc diễn tiến ngày càng xấu, bệnh nhi tím tái khó thở, lơ mơ và được chuyển đến BV Nhi đồng TP điều trị. “Do tình trạng của bệnh nhi nguy kịch nên chúng tôi buộc phải chạy Ecmo - phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể và lọc máu liên tục.
Phương pháp này rất tốn kém, nhưng đây là biện pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhi”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP, cho hay. Sau 2 tuần lọc máu, chăm sóc tích cực, điều trị kháng sinh thích hợp, cho bé thở máy, nuôi ăn qua tĩnh mạch…, các chỉ số huyết áp, khí máu của bệnh nhi trở lại bình thường.
Còn tại BV Nhi đồng 1 cũng vừa cứu sống một trường hợp uống nhầm hóa chất để lại hậu quả khá nghiêm trọng. Bệnh nhi Đ.K.L. (16 tuổi, ngụ Bạc Liêu) trong một lần đi chơi về thấy chai nước lọc trên bàn, em mở ra uống một ngụm thì thấy nóng ran từ cổ xuống ngực và bụng.
Sau khi phát hiện uống nhầm chai đựng chất xúc tác làm composite chuyên dùng cho tàu ghe, gia đình đã đưa em đến BV gần nhà, sau đó chuyển tiếp đến BV Đa khoa Cà Mau.
Tại đây, các bác sĩ rửa ruột, rửa dạ dày và cho xuất viện sau 9 ngày điều trị. Tuy nhiên, sau đó em rơi vào tình trạng không ăn uống được, ói liên tục và sụt cân rất nhanh. Gia đình đưa em đi khám tại khá nhiều BV nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng, cuối cùng đến BV Nhi đồng 1 trong tình trạng suy kiệt, sụt cân
Do bệnh nhi không thể nuốt, các bác sĩ phải mổ để đặt ống truyền dưỡng chất và phát hiện toàn bộ dạ dày của em đã teo nhỏ, xơ hóa cứng; thực quản và ruột nối với dạ dày bị bịt kín khiến thức ăn và thuốc không thể lọt qua được.
Các bác sĩ đã phẫu thuật tạo hình dạ dày cho bệnh nhi từ ruột non, từ đó cải thiện dần tình trạng ăn, uống cho bệnh nhi.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết: “Trường hợp này trẻ đã lớn và hóa chất trẻ uống nhầm là một loại chất xúc tác có tính oxy hóa rất mạnh, y văn chưa từng ghi nhận trường hợp nào tương tự như vậy. Chất lỏng này trong suốt, không mùi, rất giống với nước lọc nên rất dễ nhầm lẫn”.
Bình tĩnh sơ cứu
Không chỉ trẻ nhỏ uống nhầm hóa chất mà ngay cả người lớn cũng có khi nhầm lẫn, do thói quen đựng hóa chất trong vỏ chai nước giải khát. Mới đây, bà Đ.T.T. (ngụ tỉnh Đồng Nai) đã đưa nhầm chai nước đựng hóa chất tẩy rửa móng tay cho cháu nội của mình uống vì tưởng nước giải khát. Sau khi uống, bé gái 3 tuổi ho sặc sụa, nôn ói và được đưa đến BV Nhi đồng TP điều trị. Rất may, bệnh nhi không gặp phải tổn thương quá nặng.
Từ những những tai nạn nói trên, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến đưa ra khuyến cáo, mọi gia đình tuyệt đối không sử dụng chai nước giải khát để đựng những dung dịch xăng, dầu, chất tẩy rửa hoặc hóa chất nói chung, vì rất dễ nhầm lẫn, gây nguy hiểm đến tính mạng chính mình và người thân.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, hóa chất, xăng, dầu sẽ gây ngộ độc, bỏng thực quản, khí quản, gây suy đa tạng và nguy hiểm hơn có thể gây tử vong cho cả trẻ em lẫn người lớn.
Các bác sĩ cho biết, dấu hiệu của trẻ uống nhầm hóa chất thường là ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất. Hoặc trẻ có biểu hiện như đau họng, đau miệng, đau bụng, môi lưỡi phồng rộp, khó thở, cánh mũi phập phồng, co hõm ức; nặng hơn là cơ thể tím tái, mạch đập nhanh… Thực tế, do phụ huynh sơ cứu không đúng cách cũng như không kịp thời mà nhiều trẻ đã phải gánh chịu những tổn thương nặng nề.
Khi trẻ uống nhầm hóa chất, đầu tiên phụ huynh phải bình tĩnh, xem đó là loại hóa chất nào. Với các loại acid như nước tẩy bồn cầu, acetone hay bazo như xà bông tắm, nước rửa chén, dầu gội…, hãy cho trẻ uống từng ngụm nước nhỏ để có thể trung hòa lượng hóa chất đã đưa vào cơ thể.
Khi cho trẻ uống phải thật cẩn thận, tránh tình trạng bị sặc, vì khi đó sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm hơn. Riêng với trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu, phụ huynh cần móc họng gây nôn cho trẻ. Tuy nhiên, việc gây nôn chỉ nên tiến hành khi trẻ còn tỉnh táo. Trường hợp trẻ lơ mơ hay đã ngất lịm, tuyệt đối không móc họng gây nôn. Sau đó, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột.