(SGGP).- Trong khi cơn bão số 6 (Mangkhut) vừa tan, hiện lũ các sông vẫn còn đang lên, thì theo thông tin vào chiều qua (10-8) từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, một cơn bão mới rất mạnh lại vừa xuất hiện ở khu vực gần biển Đông. Trong khi đó, ở khu vực giữa biển Đông lại vừa hình thành thêm một vùng áp thấp nhiệt đới mới nữa.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, cơn bão đang trên đường từ Thái Bình Dương, thuộc vùng biển ngoài khơi của miền Trung Philippines đi vào biển Đông có tên quốc tế là Utor, được coi là một cơn bão mạnh. Chiều qua, 10-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,9 độ vĩ Bắc và 128,7 độ kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 850km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km/giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 11-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,1 độ vĩ Bắc và 125 độ kinh Đông, cách đảo Luzon khoảng 360km về phía Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166km/giờ), giật cấp 16, cấp 17. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến chiều 12-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18 độ vĩ Bắc và 121 độ kinh Đông, trên đất liền phía Bắc đảo Luzon.
Cùng lúc này, khu vực giữa biển Đông, chiều qua xuất hiện vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,6 độ vĩ Bắc và 115,8 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 200km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km/giờ), giật cấp 7, cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km. Chiều 11-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ vĩ Bắc và 114 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 150km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ở các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.
.
Trước tình hình trên, sáng 10-8, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có thêm Công điện khẩn số 43 gửi tất cả các tỉnh yêu cầu không để tàu thuyền ra khơi; những tàu thuyền đang ở ngoài khơi khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Hiện nay thời tiết trên biển còn đang rất xấu và diễn biến phức tạp.
Cũng theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, đến nay đã thống kê được có 5 người chết và mất tích do ảnh hưởng bão số 6 (tăng 1 người tại Hà Nội bị chết do cây đổ vào). Gần 1.000 nhà bị ngập, hư hại, sập. Diện tích lúa bị ngập, thiệt hại là 8.313ha và 4.222ha hoa màu, 1.434ha (tăng 1.299ha) thủy sản.
Ngoài Hà Nội, hiện đã xác định được tại các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang… đều có hiện tượng sông bị sạt lở do mưa lũ. Tại Bắc Giang, bờ sông Thương đang sạt lở, có nơi sạt vào mái đê 2 - 3m và đang xuất hiện thêm nhiều điểm mới. Nước đã tràn bờ hữu sông Cổ Mao trên chiều dài 1,4km tại huyện Lục Nam. Tại tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc ngày 10-8, nước vẫn ngập chìm hàng ngàn hécta lúa và thủy sản. Ước tính thiệt hại gần 40 tỷ đồng. Mưa lớn đã làm tuyến đê Hoa Tiên thuộc địa bàn xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) bị nước tràn qua. Ngày 10-8, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực cùng bà con cứu lúa.
Tại Vĩnh Phúc, hàng trăm mét đê, hàng chục công trình giao thông và gần 6.000ha lúa và hoa màu cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại do hoàn lưu bão số 6. Trong đó, các địa phương bị nặng là Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường… Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động 1.000 bộ đội tham gia giúp dân cứu lúa. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo cho xả nước ở 3 hồ là Xạ Hương, Thanh Lanh, Đại Lải nên đã cứu được 5.000ha lúa.
Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cũng cho biết thêm, 4 thủy điện lớn ở miền Bắc là Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà vẫn đang đóng cửa xả đáy để cắt lũ cho hạ du, không để xảy ra thiệt hại nặng cho bà con. Hiện nay, lũ trên sông Thao tại Yên Bái, sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Lục Nam tại Lục Nam đã đạt đỉnh và đang xuống. Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương vẫn đang lên.
VĂN PHÚC