Bà Lê Thị Phụng, 76 tuổi, thường trú tại số 52, đường Trần Quý Cáp, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang gửi đơn đến Báo SGGP trình bày: Trước năm 1975, ba má bà Phụng là cụ ông Lê Văn Tập và cụ bà Trương Thị Thân làm chủ một nhà máy xay lúa, một nhà máy xay bột cá, một căn nhà số 145 và phần đất vườn, sân phơi là 13.910,32m2 ở đường Trần Quý Cáp, khu phố 6, phường An Hòa, TP Rạch Giá. Còn một lò gạch, một nhà máy xay lúa hiệu Nam Tái Phát ở xã Mông Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang là tài sản của ông Lê Văn Xuân- anh ruột bà Phụng.
Năm 1978, thực hiện cải tạo XHCN đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh, tỉnh Kiên Giang “quy” toàn bộ số tài sản trên là của vợ chồng cụ Lê Văn Tập nên tiến hành quản lý vì cho rằng gia đình này nằm trong diện phải cải tạo. Bấy giờ việc quản lý số tài sản trên không có quyết định của cấp thẩm quyền nào, kể cả UBND tỉnh Kiên Giang.
Được biết: gia đình cụ Lê Văn Tập là cơ sở cách mạng nhiều năm trong hai cuộc kháng chiến. Cán bộ cách mạng ra vào thị xã (giờ là TP trực thuộc tỉnh) đều đến ở số 145 Trần Quý Cáp. Gia đình cụ Lê Văn Tập nhiều năm nuôi cán bộ cách mạng, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất. Vợ chồng bà Lê Thị Phụng, con cụ Lê Văn Tập, từng có nhiều năm tham gia cách mạng; bà Phụng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất. Bức xúc trước việc tài sản bị tịch thu, năm 1989, thay mặt gia đình, ông Xuân và bà Phụng đã làm đơn xin lại.
Ngày 18- 5-1989, UBND tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định số 430, trả lại cho ông Xuân một lò gạch, một nhà máy xay lúa hiệu Nam Tái Phát ở ấp Mông Thọ B và bà Phụng 3.907m2 đất, trên đó có căn nhà 145 Trần Quý Cáp (vì vợ chồng cụ Lê Văn Tập đã chết) để làm chỗ ở và sản xuất. Số tài sản còn lại tiếp tục giao cho 2 ngành: lương thực và thương nghiệp quản lý.
Theo điều tra của phóng viên, toàn bộ số đất trên 10.000m2 và nhiều tài sản trên đó ở đường Trần Quý Cáp, thị xã Rạch Giá (nay là TP Rạch Giá) được giao cho Ty Thương nghiệp quản lý, sử dụng làm Trường Thương nghiệp nhưng cả chục năm qua không hoạt động, hiện đang bỏ trống.
Điều mà gia đình bà Phụng vô cùng bức xúc: năm 1991, các sở Xây dựng, Tài chính, Công ty Dịch vụ nhà ở Kiên Giang đã hóa giá căn nhà và đất trên diện tích 1840,7m2 cho ông Lê Công Tủy-một cán bộ của ngành thương nghiệp Kiên Giang lúc ấy, nay đã về hưu và ông đã bán miếng đất và nhà được cấp.
Hai cán bộ ngành thương nghiệp khác của tỉnh Kiên Giang cũng được cấp nhà, đất mỗi người trên 100m2. Trường Thương nghiệp cũng tùy tiện giải quyết cho 2 hộ: Nguyễn Thanh Hóa 54m2, Ninh Thúy Mơ trên 80m2 nhưng không có giấy tờ.
Ngoài ra còn có 7 hộ dân do thấy đất trống đã tự vào cất nhà ở với tổng diện tích trên 280m2 mà không có cấp thẩm quyền nào xử lý.
Làm việc với chúng tôi, ông Trương Quốc Tuấn, Bí Thư tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang thừa nhận việc cải tạo công thương nghiệp năm 1978 tràn lan là có phần chưa đúng.
Gia đình bà Lê Thị Phụng tuy khá giả nhưng chưa đủ “chuẩn” quy là tư sản; lại là gia đình yêu nước, có công với cách mạng lại bị xử lý như tư sản mại bản là không đúng với tinh thần Nghị quyết 775 ngày 2-4-2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tài sản của gia đình bà Lê Thị Phụng bị tịch thu không có quyết định của UBND tỉnh; lại trưng dụng trong suốt 28 năm qua không hiệu quả của tỉnh Kiên Giang chỉ được coi như là “mượn”.
Mà đã mượn thì phải trả. Rất mong các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là UBND tỉnh Kiên Giang sớm giải quyết thỏa đáng.
BÌNH LÊ