TPHCM với hơn 14 triệu dân: Thách thức quản lý an toàn thực phẩm

Việc hợp nhất các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM mở ra kỳ vọng phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống, chất lượng sống cho nhân dân của “siêu đô thị” hơn 14 triệu dân. Trong đó, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nhận được sự quan tâm rất lớn với những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra trong bữa ăn hàng ngày.

Không để công tác quản lý gián đoạn

Ngày 1-7, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở ATTP TPHCM, chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động liên quan đến ATTP trên địa bàn thành phố. Trong đó bao gồm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, và xử lý vi phạm về ATTP. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Sở ATTP TPHCM mới tiếp nhận nhân sự của các ngành y tế, nông nghiệp, công thương (liên quan đến ATTP) của 2 tỉnh Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), phân chia về các phòng chuyên môn, bố trí công việc. Trước mắt, đảm bảo không gián đoạn công tác và nhiệm vụ chung.

H1a.jpg
Du khách mua hải sản tại chợ Xóm Lưới, phường Vũng Tàu, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hường

Do trước đây Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế, nhân sự mỏng, Sở ATTP TPHCM dự kiến sẽ lập các đội xuống tận xã, phường, nỗ lực đảm bảo vận hành thông suốt, tăng cường cải cách hành chính, không để ngưng trệ công tác cấp phép ATTP. Riêng khu vực trung tâm TPHCM, hồ sơ cấp phép trong lĩnh vực ATTP đã thực hiện trực tuyến cấp độ 4. Bên cạnh kiện toàn bộ máy tổ chức, cuối tháng 7 Sở ATTP TPHCM sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm soát ATTP đầu năm học trên toàn địa bàn TPHCM; tiến hành tập huấn ATTP cho các trường học; thực hiện các công tác đảm bảo ATTP bữa ăn cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...

Bà Vũ Thị Luyến, Phó trưởng Phòng Văn hóa xã hội, UBND phường Vũng Tàu, cho biết, du lịch là lợi thế của địa phương, thu hút nhiều khách du lịch. Do đó, địa bàn có rất nhiều cơ sở dịch vụ, kinh doanh ăn uống, các chợ buôn bán lương thực, thực phẩm, chợ hải sản. Tuy nhiên, công tác kiểm soát ATTP của địa phương gặp khó khăn do tình trạng chợ tự phát, buôn bán hàng rong, thức ăn đường phố vẫn diễn ra. Một bộ phận người kinh doanh thực phẩm chưa chú trọng đến chất lượng hàng hóa nên hàng kém chất lượng vẫn trà trộn vào. Bà Vũ Thị Luyến kỳ vọng sau sáp nhập, công tác quản lý về ATTP trên địa bàn phường sẽ được thực hiện tốt hơn. “Trước mắt chúng tôi mong muốn Sở ATTP TPHCM mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ phụ trách công tác an toàn thực phẩm ở địa bàn. Sở cung cấp cho chúng tôi các phương tiện như hóa chất, kit kiểm tra nhanh phục vụ truy xuất nguồn gốc thực phẩm”, bà Luyến kiến nghị.

Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Sở ATTP TPHCM trước đây đảm nhận trách nhiệm đảm bảo ATTP cho gần 10 triệu dân nhưng nay tăng lên hơn 14 triệu dân. Với diện tích rộng lớn, dân số đông nên không dễ kiểm soát, trong khi các vi phạm về ATTP vẫn đang diễn ra tinh vi và âm thầm là thách thức lớn. PGS Nguyễn Duy Thịnh dẫn chứng như vụ việc Công an TPHCM vừa phát hiện 3 cơ sở tại khu dân cư Bến Lức (phường Bình Đông) ngâm hàng trăm kg hoa chuối với hàn the, chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc trước khi bán ra thị trường cho thấy vấn đề ATTP rất phức tạp.

H4b.jpg
Người dân TPHCM lựa chọn thực phẩm trong một siêu thị. Ảnh: Giao Linh

Trên địa bàn Bình Dương trước đây nổi cộm vấn đề chất lượng bữa ăn công nhân vì tập trung nhiều khu công nghiệp trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu đối mặt với nguy cơ từ thức ăn đường phố, hàng quán phục vụ khách du lịch. Vì thế, Sở ATTP TPHCM cần tính toán và lập ra chương trình hành động cụ thể trong bối cảnh hiện nay. Đây là thách thức rất lớn với cơ quan quản lý vì trách nhiệm lớn nhưng nhân sự mỏng, địa bàn rộng. PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng cái gốc của quản lý ATTP là việc phòng ngừa. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có nhân sự tinh nhuệ, sâu sát địa bàn, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm ATTP thay vì để vi phạm xảy ra rồi mới vào cuộc. “Với địa bàn rộng lớn như TPHCM hiện nay đòi hỏi năng lực của người làm trong lĩnh vực ATTP phải được nâng cao và thích ứng, phòng ngừa các vi phạm”, PGS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Việc tập trung tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho chủ cơ sở và người lao động các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm trong thực hiện quy định của pháp luật về ATTP; rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; vận động người bán hàng rong di chuyển vào các điểm bán cố định để kiểm soát nguy cơ mất ATTP... cũng là những vấn đề đặt ra đối với chính quyền địa phương cấp xã.

Nhiều ý kiến cho rằng một số đề án chuỗi thực phẩm an toàn hay mô hình kiểm soát chất lượng hàng hóa, minh bạch chuỗi cung ứng đã được TPHCM triển khai thành công cần tiếp tục áp dụng trên toàn địa bàn. Trong đó, nổi bật là chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, được triển khai từ tháng 3-2024. Sau một năm, chương trình đã ghi nhận sự tham gia của 11 nhà phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, AEON, GO!, Tops Market… cùng 308 nhà cung cấp và 2.049 sản phẩm được dán nhãn “tick xanh”. Các đơn vị tham gia cam kết cung cấp hàng hóa đạt chuẩn, nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ pháp luật và thực hiện trách nhiệm xã hội trong sản xuất - kinh doanh.

TPHCM là địa phương tiên phong cả nước triển khai mô hình “Tick xanh trách nhiệm” dựa trên cơ chế niềm tin và sức mạnh thị trường. Cơ quan quản lý đóng vai trò dẫn dắt, điều phối; người tiêu dùng là lực lượng phản biện, giám sát; doanh nghiệp và sàn thương mại điện tử là chủ thể cam kết và chịu trách nhiệm trước cộng đồng. “Đảm bảo ATTP bữa ăn cho hơn 14 triệu người dân là trách nhiệm và thách thức rất lớn, cần có thời gian để thực hiện và đánh giá. Tuy nhiên, chúng ta kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ có những phương thức sáng tạo, hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cộng đồng”, PGS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý ATTP tại địa phương

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, các địa phương hiện đang áp dụng các mô hình quản lý ATTP còn khác nhau dẫn đến sự thiếu thống nhất và khó khăn trong phối hợp. Một số nơi có Ban quản lý ATTP độc lập, một số khác lại phân tán giữa các sở, ngành, gây chồng chéo nhiệm vụ. Bộ Y tế đang hoàn thiện hai dự thảo nghị định trình Chính phủ gồm quy định cụ thể phân quyền quản lý theo cấp hành chính; hướng dẫn rõ về tổ chức mô hình bộ máy quản lý của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh với mục tiêu đảm bảo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tăng hiệu quả triển khai nhiệm vụ, tránh buông lỏng và làm rõ trách nhiệm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý ATTP tại địa phương để làm căn cứ kiểm tra đánh giá hàng năm, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ tại tuyến cơ sở để nâng cao năng lực tổ chức thực thi nhiệm vụ.

Tăng cường kiểm soát ATTP ở quán ăn bình dân

Chị Đào Lê Thu Trang (ở 537/5 đường Nguyễn An Ninh, phường Tam Thắng) cho biết, ẩm thực ở địa phương đa dạng và phong phú, đặc biệt nổi tiếng với hải sản. Nhiều quán ăn bình dân có hương vị hải sản rất tươi ngon nhưng gây lo ngại về vấn đề ATTP, nhất là khâu nhập nguyên liệu và bảo quản. Mặc dù là dân địa phương nhưng gia đình chị cũng bị rối loạn tiêu hóa sau một vài lần ăn uống tại các quán ăn bình dân. “Tôi mong rằng, vấn đề ATTP sẽ được Sở ATTP TPHCM và các địa phương quản lý tốt hơn. Tôi cũng hy vọng người kinh doanh chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về ATTP như bán hàng chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… để người dân địa phương và du khách yên tâm cũng như giữ gìn thương hiệu du lịch biển”, chị Trang chia sẻ.

Quan tâm hơn đến bữa ăn của công nhân và người lao động

Anh Lê Minh, ngụ tại phường Phú Lợi (TPHCM) mong mỏi các đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà TPHCM đang triển khai sẽ được nhân rộng đến từng phường, xã, góp phần cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho người dân. Đặc biệt, Bình Dương trước đây là nơi tập trung công nhân lao động từ nhiều địa phương đến làm việc, đời sống vẫn còn những khó khăn nhất định, công việc bấp bênh, chi tiêu rất tiết kiệm. Thậm chí, họ phải tìm thực phẩm rẻ ở chợ chiều để nấu nướng dù biết “của rẻ là của ôi”. “Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp để đảm bảo người lao động thu nhập thấp, người công nhân tiếp cận được thực phẩm an toàn với chi phí vừa phải”, anh Minh đề xuất.

Tin cùng chuyên mục