Câu chuyện phải có tiêu chí rõ ràng cho bao bì tự hủy không phải đến bây giờ mới được đề cập mà đã bắt đầu từ năm 2003. Theo đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng nhà nước cần sớm ban hành bộ tiêu chí làm cơ sở để các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, góp phần giảm thiểu những tác hại do sử dụng loại túi ni lông thông thường gây ra. Thế nhưng, không hiểu sao cho đến nay, việc soạn thảo và ban hành tiêu chí này vẫn mịt mờ. Nhu cầu này càng trở nên bức thiết hơn khi Luật Thuế môi trường bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2012.
Bắt đầu từ ngày 1-1-2012, túi ni lông sẽ bị đánh thuế 150%, tức trung bình mỗi doanh nghiệp sản xuất ra 1kg bao bì ni lông sẽ phải đóng thuế khoảng 40.000 đồng. Tuy nhiên, nếu loại bao bì mà họ sản xuất được chứng nhận là bao bì tự hủy sẽ được miễn hoàn toàn thuế. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn trong giá thành sản xuất, vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như chi phí tiêu dùng của người dân. Chỉ đáng tiếc là chính vì chưa có bộ tiêu chí này nên đầu năm 2012 tới đây, dù là doanh nghiệp sản xuất bao bì tự hủy hoặc không tự hủy đều bị đánh đồng thuế như nhau.
Bà Trần Thị Mỹ Diệu, Trưởng khoa Môi trường Đại học Văn Lang cho biết, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, có nhiều loại bao bì tự hủy khác nhau. Cụ thể, bao bì từ nhựa phân hủy sinh học (PHA, PHH, PLA, PHB…); bao bì từ nhựa nhiệt dẻo nền tinh bột và bao bì từ nhựa có thêm phụ gia. Loại bao bì tự hủy hiện đang được dùng khá phổ biến tại nhiều nước trên thế giới là bao bì nhựa có thêm chất phụ gia vì loại này có giá thành tương đối thấp. Còn hai loại bao bì từ nhựa phân hủy và nền tinh bột có giá thành khá cao, không phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Việc kiểm tra và chứng nhận loại bao bì trên có phải là tự hủy hay không hoàn toàn có thể thực hiện được bằng nhiều phương pháp khác nhau như gia nhiệt, ủ compost hoặc thủy phân…
Trên thực tế, tại nước ta, từ năm 2003 nhiều công ty sản xuất nhựa đã nhập khẩu công nghệ sản xuất các loại bao bì có trộn chất phụ gia giúp bao bì có khả năng tự hủy trong tự nhiên như Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình, Công ty Vafaco…
Ông Hoàng Văn Điều, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình khẳng định, sản phẩm của các doanh nghiệp được nhiều tổ chức trên thế giới chứng nhận là bao bì tự hủy và đang xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm này lại không thể tiêu thụ tại Việt Nam vì chưa được chứng nhận là bao bì tự hủy. Không chỉ vậy, cũng vì lý do này mà trong thời gian tới, sản phẩm của các doanh nghiệp phải đóng thuế 150%.
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết trên, ông Nguyễn Trung Việt, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện sở đang soạn thảo tiêu chí thân thiện với môi trường, áp dụng cho nhóm sản phẩm túi ni lông. Theo đó, túi ni lông thân thiện môi trường phải là nhóm sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học bao gồm các túi ni lông sản xuất từ vật liệu nhựa có nguồn gốc sinh học hoặc dầu mỏ, có khả năng phân hủy sinh học hiếu khí hoặc yếm khí trong thời hạn không quá 5 năm khi bị thải bỏ ra môi trường tự nhiên hoặc trong điều kiện bãi chôn lấp; túi ni lông được sản xuất từ hạt nhựa tái chế và thành phần hạt tái chế không thấp hơn 50%.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, trong khi chờ các bộ ban hành bộ tiêu chí về bao bì phân hủy sinh học thì việc TPHCM đề xuất dự thảo tiêu chí bao bì tự hủy trên nhằm giúp các doanh nghiệp - nhất là những doanh nghiệp đã và đang sở hữu công nghệ sản xuất bao bì tự hủy sớm được công nhận. Từ đó, giúp họ cải thiện mức thuế dự kiến phải nộp trong đầu năm 2012. Mặt khác, bộ tiêu chí sẽ là cơ sở để các ban ngành chức năng liên quan xem xét và sớm ban hành chính thức bộ tiêu chí chuẩn chung cho toàn quốc. Có như vậy thì mới tạo nên thị trường công bằng cho ngành nhựa - nơi doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường luôn có lợi nhất.
MINH HẢI