Bao giờ đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm?

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy cồn Đại Việt của Công ty TNHH Đại Việt (ở Khu công nghiệp Tâm Thắng, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) đã nhiều lần bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện lén lút xả chất thải ra môi trường. Nhưng sau mỗi lần bị xử phạt, nhà máy lại tiếp tục xả thải. Vì thế, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Đắk Nông cho rằng tỉnh nên đóng nhà máy này.
Bao giờ đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm?

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy cồn Đại Việt của Công ty TNHH Đại Việt (ở Khu công nghiệp Tâm Thắng, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) đã nhiều lần bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện lén lút xả chất thải ra môi trường. Nhưng sau mỗi lần bị xử phạt, nhà máy lại tiếp tục xả thải. Vì thế, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Đắk Nông cho rằng tỉnh nên đóng nhà máy này.

Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy cồn Đại Việt liên tục gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: ĐỨC DIỆU

Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy cồn Đại Việt liên tục gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: ĐỨC DIỆU

Nhà máy cồn Đại Việt đi vào hoạt động từ năm 2009 với công suất 150.000 lít/ngày và tổng vốn đầu tư gần 190 tỷ đồng. Sau nhiều lần thay đổi công nghệ, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này vẫn không đạt tiêu chuẩn. Ngày 19-3-2010, đoàn kiểm tra của Sở TN-MT Đắk Nông phát hiện hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ thu hồi khí ga bằng túi biogar đã bị nổ. Sau đó, nhà máy xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại địa điểm mới ở Khu công nghiệp Tâm Thắng. Ngày 20-5-2010, đoàn thanh tra Bộ TN-MT kiểm tra và xử phạt nhà máy 14 triệu đồng về hành vi xả thải ra môi trường. Đến ngày 7-12-2012, đoàn thanh tra Bộ TN-MT lại tiếp tục phát hiện hệ thống xử lý nước thải nhà máy gây ô nhiễm môi trường và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông xử phạt 55 triệu đồng.

Nhưng sau khi bị xử phạt, nhà máy này vẫn ngang nhiên xả thải, gây bức xúc cho người dân quanh vùng. Ông Cao Đắc Chí, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tâm Thắng, cho biết: “Hơn 3 năm qua, người dân trong xã luôn luôn phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ nhà máy. Không những thế, mỗi lần nhà máy này xả thải là cá bị chết hàng loạt, nổi trắng hai bờ sông Srêpốk”. Ngày 22-1-2013, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát hiện nhà máy này xả thải, gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu khắc phục trước ngày 5-6-2013. Không khắc phục, nhà máy này lại tiếp tục vi phạm.

Trong năm 2013, nhà máy tái vi phạm và bị xử phạt hành chính đến 3 lần, đồng thời UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của nhà máy đến khi xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý chất thải, khắc phục sự cố môi trường và chỉ được hoạt động trở lại khi cơ quan chức năng địa phương cho phép. Mặc dù đã bị đình chỉ hoạt động nhưng hiện nhà máy vẫn lén lút hoạt động và xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Khi chúng tôi có mặt tại Nhà máy cồn Đại Việt vào ngày 19-8, mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc xung quanh nhà máy này dù nó đang tạm thời ngừng hoạt động. Nhưng ông Nguyễn Trọng Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Việt, lại cho biết đã khắc phục xong sự cố gây ô nhiễm môi trường và đang chờ cơ quan chức năng địa phương phê duyệt để hoạt động trở lại? 

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Đắk Nông vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng tỉnh nên đóng cửa Nhà máy cồn Đại Việt vì liên tục gây ô nhiễm và xả thải ra môi trường. Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu, ông Hoàng Duy Chuyển, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, cho biết đã xem xét đến khả năng đóng cửa Nhà máy cồn Đại Việt. “Nhưng trước mắt, tỉnh đang tạm thời đình chỉ hoạt động của nhà máy để họ khắc phục những sự cố ô nhiễm môi trường và thay đổi quy trình xử lý  nước thải. Nếu nhà máy không chấp hành sẽ xem xét đến khả năng đóng cửa nhà máy”, ông Chuyển cho hay.

Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, Công ty TNHH Đại Việt đang còn nợ tiền thu mua mì của người dân địa phương và một số tiểu thương quanh vùng từ 70 triệu đến khoảng 1 tỷ đồng.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục