Bao giờ giảm nhiệt?

Chưa bao giờ vấn đề giá cả lại “nóng” đến vậy: “nóng” từ thị trường, tràn qua diễn đàn Quốc hội, các cuộc họp Chính phủ, các phương tiện thông tin đại chúng… để kết cục làm “nóng” cháy túi tiền của người dân có thu nhập eo hẹp. Và trong cái “nóng” giá không biết bao giờ hạ nhiệt này, người dân lo ngại nhất hai lãnh vực “nhạy cảm” rất khó bảo vệ trong cơ chế thị trường: giáo dục và y tế. 

Ở mảng thứ nhất – vốn được coi là “quốc sách”, điều đáng sợ nhất và không mong đợi nhất đã ập đến: sách giáo khoa (SGK) ở bậc phổ thông cho năm học 2008-2009 đã được “dán mác” bán với giá tăng thêm 10%! Có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất, có cần thiết phải tăng giá không và lẽ nào không còn cách nào khác ngoài cách đơn giản nhất là tăng giá? Ở đây, những lập luận của NXB Giáo dục như giá giấy tăng 3 lần, cao hơn 20% so với năm ngoái khiến các nhà in từ chối in sách – có thể đúng nhưng rõ ràng là thiếu sức thuyết phục.

Bởi lẽ với một lượng sách in ra khổng lồ như vậy, bất kỳ nhà sách nào có được đặc quyền như vậy đều có thể in sách chỉ từ hòa vốn đến lãi. Người ta đã chỉ ra những cách làm không giống ai của NXB Giáo dục như cách tính chiết khấu lên đến 24% rồi chưa kể các khoản “phí” khác từng được nêu rõ trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ… Thứ hai là sự thiếu minh bạch trong cách hành xử của các quan chức liên quan đến lãnh vực xuất bản: Giữa tháng tư, NXB Giáo dục rụt rè thông báo sẽ tăng giá SGK trong lúc họ đã mạnh dạn in bán giá mới của các lô sách từ đầu năm. Sau đó, sự úp mở thông tin còn thể hiện qua tuyên bố của một Thứ trưởng Bộ GD-ĐT rằng… Bộ không hay biết chuyện SGK tăng giá và sẽ kiểm tra lại. Cuối cùng chuyện tăng giá mới bớt “nóng” khi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp khẳng định là đã tăng giá theo “lộ trình” từ trước, tuy nhiên vẫn có thể “Thủ tướng quyết định không tăng giá với tinh thần chung vì người nghèo”. Như vậy chuyện hạ nhiệt giá SGK vẫn ở trong tầm tay và còn nhiều hy vọng…

Trong mảng chăm sóc sức khỏe, nổi cộm nhất vẫn là giá thuốc cũng với tình trạng chung là có “sốt” giá như đã từng xảy ra vào năm 2004. Cơ quan trực thuộc Bộ Y tế là Cục Quản lý dược đã “lệnh” bằng bất cứ giá nào sẽ không tăng giá cho đến 30-6-2008. Nhưng sau hạn chót đó thì sao? Có thể thấy rõ là Cục này đã gắng hết sức kiềm sức bật của dây lò xo giá thuốc như quản lý chặt giá bán sỉ và giá thuốc ở các cơ sở điều trị. Nhưng chắc chắn khi “lực bất tòng tâm” thì điều đến sẽ phải đến: giá thuốc sẽ lại tăng với tốc độ còn vượt trội giá SGK. Và điều này đã được khẳng định qua tuyên bố của hàng loạt “đại gia” dược rằng sức “nén” giá một thời gian dài qua có thể làm bật tung giá thuốc trong thời gian tới bởi chúng ta phụ thuộc quá lớn vào thị trường thế giới (hơn 90% nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp dược trong nước và 50% giá trị thuốc thành phẩm phải nhập khẩu từ nước ngoài). Ngoài ra, nguy cơ sốt giá còn có thể xảy ra bởi chúng ta không quản lý chặt khâu phân phối cũng như cách tiến hành các biện pháp quản lý “không hợp thời điểm” (như quy chế nhãn mác mới đang trình Bộ Y tế có thể đội giá thành lên).

Với sự đặc thù của hai lĩnh vực trực tiếp ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân, việc hạ nhiệt giá đầu vào là hết sức cấp bách và cần thiết. Đối với SGK, ngoài việc miễn giảm cho các đối tượng nghèo và chính sách, chúng ta cần xóa bỏ độc quyền để tạo cơ chế cạnh tranh, cần sự bù lỗ từ phía Nhà nước… Còn đối với giá thuốc, căn cơ hơn cả vẫn là phát triển công nghiệp nguyên liệu trong nước để tránh lệ thuộc vào thị trường thế giới. Ngoài ra, để vượt qua cơn bão giá này, biện pháp đúng còn chưa đủ nếu thiếu sự đồng thuận và quyết tâm chia sẻ cùng Chính phủ từ phía người dân.

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục