Bao giờ hết ngập, hầm ơi?!

Bão Côn Sơn đi qua, nhiều người dân Hà Nội đã thở phào nhẹ nhõm. So với dự báo “lượng mưa có thể trên 200mm”, lượng mưa thực tế chưa bằng 1/10. Không có chuyện ngập lụt, thiếu đồ ăn thức uống như nhiều người lo ngại.

Khi nỗi lo đã vơi, nhiều người Hà Nội có tinh thần lạc quan đùa rằng, họ hơi... tiếc vì chưa có dịp kiểm chứng khả năng thoát nước của hầm cơ giới Láng - Hòa Lạc. Trạm bơm chính của hầm này vừa được gấp rút hoàn thành, sau khi hầm bị ngâm nước suốt 3 ngày sau cơn mưa lớn bất thường sáng 13-7.

Một vị lãnh đạo của Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án hầm Láng - Hòa Lạc) cho biết, hầm vẫn ngập vài ngày sau khi mưa dứt là bởi hố ga của hầm còn hở, nước bên ngoài dải phân cách vẫn chảy tràn vào trong hầm trong khi trạm bơm chính chưa hoàn thành. Chứ còn, “theo thiết kế, công suất trạm bơm chính đảm bảo thừa sức chịu được cơn mưa như vừa qua”, ông này trấn an.

Dù rất muốn tin ông, nhưng người ta không thể không nhớ tới lời phân trần tương tự của chủ đầu tư dự án hầm Kim Liên (Hà Nội) khi hầm đường bộ “hiện đại nhất Việt Nam” bị tê liệt chỉ 2 tiếng đồng hồ sau khi thông xe. Chủ đầu tư dự án hầm Kim Liên khi ấy khẳng định, sẽ không có chuyện hầm bị ngập khi hệ thống bơm chính đi vào vận hành. Thế nhưng, cũng chính cơn mưa ngày 13-7 đã cho thấy, lời hứa này không “thiêng”! Hầm vẫn ngập gần 1m và phải tạm đóng cửa. Trạm bơm chính đã hoạt động, nhưng chỉ hoạt động 1/4 máy và ngay cả máy duy nhất hoạt động cũng không chạy hết công suất, vì lý do rất khôi hài... không đủ nước vào bể hút! Giám đốc Công ty Công trình Giao thông Hà Nội (đơn vị được Sở GTVT phân công quản lý hầm) lý giải, do cửa thu nước nhỏ, nước vào bể không kịp cho máy bơm hoạt động.

Không dám lạm bàn việc trạm bơm này được thiết kế theo nguyên tắc nào, có tương thích với điều kiện thực tế của hầm Kim Liên hay không, nhưng công luận hoàn toàn có thể nghi ngờ khả năng thoát nước của hầm về lâu dài, nếu không có những giải pháp khắc phục thích hợp. 

Chưa hết thất vọng vì kiểu xây dựng, vận hành... chẳng giống ai này, nhiều người Hà Nội lại đọc thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng một câu chuyện rất đáng lưu tâm. Tại thành phố cổ Cám Châu, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), 100.000 cư dân thành phố đã được sống trong an toàn và khô ráo trong suốt tuần qua, khi những trận mưa và lũ quét gây ra thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương khác của quốc gia này.

Không phải tại Cám Châu không mưa, mà đó là nhờ đô thị cổ may mắn còn giữ được hai cống thoát nước được xây dựng từ triều Tống (960-1279). Hai đường hầm dài, có tuổi thọ gần 900 năm tuổi này được xây dựng bằng gạch nung, chạy dọc theo thành phố được đặt tên là “Phát” (nghĩa là phát đạt) và “Thọ” (nghĩa là trường sinh). Ở miệng cống có tới hàng chục cửa thu nước, giúp tăng khối lượng nước lưu thông trong mùa mưa. Khi mức nước ở dòng chảy thấp hơn ở cửa sông, nước từ hệ thống thoát sẽ chảy ra, nhưng nếu mức nước ở cửa sông cao hơn, các cửa cống được đóng lại để ngăn nước đến...

Trông người mà ngẫm đến ta. 900 năm sau, các công trình xây dựng của chúng ta ra sao nhỉ, nó chưa thể khiến chúng ta an tâm trong những ngày mưa lũ.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục