Bao giờ ngã ngũ?

Câu chuyện dài nhiều tập xung quanh thân phận “ba chìm bảy nổi” của lĩnh vực dạy nghề vẫn chưa có lời kết. Câu hỏi “Ai quản lý hiệu quả?” tiếp tục gây tranh cãi nảy lửa khi chỉ còn 3 tháng nữa Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực (ngày 1-7). Trong khi Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH đều khẳng định mình làm đúng luật và đều có dự thảo thông tư hướng dẫn về quản lý đối tượng dạy nghề thì những “đứa con” chịu sự tác động trực tiếp lại nhấp nhổm, cảm thấy bất an. Mùa tuyển sinh năm học mới đã gần kề, áp lực đầu vào ngày một khó nhưng các trường cao đẳng (CĐ) trực thuộc Bộ GD-ĐT chưa rõ số phận của mình ra sao và ai quản lý?

Như phân tích của các chuyên gia và các nhà làm luật, việc “bấm nút” để thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã bộc lộ sự vội vã và tỷ lệ đồng ý không cao (55,13%) là điều không bình thường, thiếu thuyết phục. Hệ thống dạy nghề gồm trường CĐ, CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề vốn đã bị phân tán, chia cắt và phát triển manh mún, gây lãng phí từ lâu. Vì thế mục tiêu thống nhất quản lý nhà nước một đầu mối là yêu cầu cấp bách. Vậy mà, sau nửa năm kể từ ngày luật mới được thông qua, đến nay… vấn đề vẫn còn đó, Chính phủ chưa phân cho bộ nào quản lý. Tuy nhiên, Bộ LĐTB-XH lại được giao nhiệm vụ xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện luật mới này.

Do đối tượng được điều chỉnh liên quan đến mình nên cả Bộ LĐTB-XH và Bộ GD-ĐT đều xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn đối tượng hệ CĐ. Hiện Bộ LĐTB-XH đã đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp dự thảo thông tư quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, sát nhập, giải thể… đối với trường CĐ, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Còn Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định về quản lý hoạt động của các trường CĐ trực thuộc.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vấn đề vẫn chưa ngã ngũ và chưa cơ quan nào chính thức được giao nhiệm vụ quản lý chung về hệ thống dạy nghề thì tại sao lại xúc tiến xây dựng thông tư hướng dẫn trùng đối tượng (trường CĐ) và nếu có thay đổi thì việc này ảnh hưởng ra sao? Điều này cho thấy sự chồng chéo về quản lý vẫn tiếp diễn và dư luận không thể không đặt vấn đề: Liệu sau khi triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, bức tranh dạy nghề có bớt rối rắm, giảm khuyết tật?

Trong công văn gởi Bộ LĐTB-XH góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐTB-XH soạn thảo, Bộ GD-ĐT thể hiện quan điểm không đồng ý giao cho Bộ LĐTB-XH quản lý giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là quan điểm chung của dư luận, các nhà quản lý giáo dục, dạy nghề. Bởi lẽ, sự thiếu thống nhất trong quản lý hệ thống này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, bất ổn về tổ chức bộ máy, cơ cấu, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề kỹ thuật và nguy hiểm là rất khó quy hoạch tổng thể, gây lãng phí lớn… Đó là chưa kể, sự phân khúc trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng khiến công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông gặp nhiều rào cản, kém hiệu quả.

Nước đã gần đến chân và không thể để khoảng trống pháp lý tồn tại trước ngày Luật Giáo dục nghề nghiệp đi vào cuộc sống. Nhiều ý kiến cũng cho rằng dự thảo Nghị định quy định một số điều Luật Giáo dục nghề nghiệp có nhiều nội dung chưa đảm bảo tính thống nhất, còn nhiều nội dung chồng chéo với các văn bản hiện hành, “vênh” với thực tiễn, tính khả thi không cao. Như thế, để hoàn thiện dự thảo nghị định có tầm ảnh hưởng, có thể làm thay đổi hệ thống giáo dục quốc dân thì rất cần lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành đến đối tượng chịu tác động trực tiếp như nêu trên. Mọi sự vội vã, thiếu tính khoa học lẫn thực tiễn sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường, thậm chí cản trở hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển theo yêu cầu của xã hội.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục