(SGGP).- Ngày 8-12, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã chính thức có sơ đồ dự báo đường đi của siêu bão Hagupit, đồng thời cảnh báo bão sẽ đi vào khu vực giữa biển Đông bao gồm khu vực giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau đó có thể bất ngờ đổi hướng đi về phía Nam, đe dọa trực tiếp vùng biển và khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ.
Hồi 22 giờ ngày 8-12, vị trí tâm bão Hagupit ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 120,9 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (từ 75 - 88km/giờ), giật cấp 10 - 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Như vậy, khoảng sáng sớm ngày 9-12 bão sẽ đi vào khu vực phía Đông biển Đông. Đến 22 giờ ngày 9-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông biển Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 430km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (từ 75 - 88km/giờ), giật cấp 10 - 11.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Đông biển Đông có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trước tình hình bão di chuyển phức tạp, liên tục đổi hướng và có thể tiềm ẩn nhiều sự bất ngờ, chiều 8-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương để chỉ đạo những giải pháp nóng nhằm ứng phó với cơn bão, chủ động giảm thiểu thiệt hại. Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tưởng thủy văn Trung ương cho biết, hiện vẫn có nhiều mô hình dự báo khác nhau và các dự báo đều cho rằng bão Hagupit sẽ hướng vào vùng biển Nam Trung bộ của Việt Nam. Bão càng sâu càng giảm cấp độ, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/giờ, có thể tăng lên 25km/giờ. Khi vào giữa biển Đông, bão còn cấp 8 sau đó lệch về phía Tây Nam tiếp tục yếu đi còn cấp 6-7.
Hiện tại, các mô hình của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng đưa ra 2 kịch bản: Khả năng thứ nhất là bão sẽ di chuyển dọc ven biển các tỉnh Nam Trung bộ dưới dạng áp thấp nhiệt đới, gây mưa cho các tỉnh Nam bộ từ Ninh Thuận đến Bến Tre khoảng 50mm. Khả năng thứ 2 (40%) bão di chuyển gần kinh tuyến 110 cách đất liền khoảng 100km, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tan trên biển hoặc đi sâu về vùng biển phía Nam, không ảnh hưởng đến đất liền. Mặc dù vậy, vùng cảnh báo nguy hiểm có gió cấp 6 trở lên từ vĩ tuyến 11-17. Bão sẽ gây mưa ở Trung bộ gồm các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị do không khí lạnh, lượng mưa từ 150-200mm, riêng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định có khả năng mưa trên 200mm. Ngoài ra, đợt không khí lạnh mạnh sẽ di chuyển tới nước ta ngày 11-12, gây đợt rét đậm đầu tiên ở các tỉnh vùng núi, Trung du Bắc bộ. Sau đó tiếp tục sẽ có đợt không khí lạnh nữa gây rét đậm, rét hại cho các tỉnh miền Bắc.
Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương thống kê đến chiều 8-12, còn 300 phương tiện với khoảng 4.000 lao động đang hoạt động ở khu vực ở giữa và Nam biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Công tác trọng tâm hiện nay là bằng mọi cách tiếp tục kêu gọi, thông báo diễn biến bão đến các phương tiện để chủ động di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ngày 8-12, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cũng đã cử 3 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và đảm bảo an toàn hồ chứa và đối phó mưa lũ sau bão tại các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
PHÚC HẬU
TPHCM: Lập kế hoạch di dời 1.500 người dân
Chiều 8-12, UBND TPHCM họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND 24 quận, huyện về việc triển khai thực hiện các phương án phòng, chống bão Hagupit. Đại diện UBND huyện Cần Giờ cho biết, đã chỉ đạo các xã kiểm tra các phương án phòng chống bão. Theo kế hoạch, sáng 10-12 sẽ tổ chức di dời dân ở khu vực xã đảo Thạnh An và một số khu vực nguy hiểm với khoảng 1.500 người, dự kiến việc di dời sẽ được triển khai trong vòng 6 tiếng đồng hồ với 10 phương tiện thủy và 10 phương tiện bộ. Các địa điểm bố trí dân trú bão sau khi di dời đã chuẩn bị xong với khả năng đáp ứng khoảng 1.500 - 2.000 người.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, theo dự báo diễn biến của bão Hagupit thì bão có khả năng đổ bộ vào khu vực phía Nam nên TP là địa bàn có khả năng chịu ảnh hưởng của bão. Vì vậy, các sở, ngành, UBND quận, huyện không được chủ quan mà phải tăng cường công tác chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ vào TP để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Đối với những khu vực như Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7 nếu có mưa to, gió lớn, Sở GD-ĐT TP cần rà soát cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
ĐÌNH LÝ
Philippines: Ít nhất 21 người chết do bão Hagupit
Hàng triệu người dân ở thủ đô Manila của Philippines đã phải sống trong biển nước vào ngày 8-12 khi cơn bão Hagupit tràn vào đây sau khi làm chết ít nhất 21 người và phá hủy hàng ngàn ngôi nhà trên các hòn đảo khác của nước này. Tuy nhiên, Hagupit khi đến Manila đã suy yếu dần.
Tại Manila, người dân vẫn tiếp tục sơ tán tránh lũ khi dự báo thời tiết cảnh báo mưa lớn sẽ tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới. Theo AP, hàng ngàn người, chủ yếu là người dân nghèo nhất của thành phố Manila, những người sống trong nhà ổ chuột dọc theo bờ biển và bờ sông đã được sơ tán vào trường học và các trung tâm sơ tán khác của chính phủ. Trường học, thị trường chứng khoán, nhiều văn phòng chính phủ bị đóng cửa và hàng chục chuyến bay thương mại bị hủy bỏ. Hàng ngàn ngôi nhà đã bị bão Hagupit phá hủy, nhiều vụ sạt lở đất làm tắc đường.
HUY QUỐC