Gần giữa tháng 6-2016 nhưng vẫn chưa có cơn bão nào. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, năm nay bão sẽ ít hơn và dồn dập đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và Nam bộ vào khoảng tháng 10 - 11.
Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho rằng, thông thường vào các năm trước, từ tháng 4 - 5 đã có bão trên biển Đông hoặc khu vực Thái Bình Dương, gây mưa lũ ở miền Bắc và miền Trung, sau đó xu thế đổ bộ của các cơn bão dịch chuyển dần về Nam Trung bộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay vẫn chưa có cơn bão nào.
Mới đây vào cuối tháng 5, chỉ có một vùng áp thấp nhiệt đới hình thành ở giữa biển Đông nhưng di chuyển ngược lên phía Bắc và nhanh chóng suy yếu ở khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). “Từ năm 2015 đến nay, bão có xu thế xuất hiện muộn và ít hơn, nguyên nhân là do ảnh hưởng của chu kỳ La Nina”, ông Lê Thanh Hải thông tin.
Ngập nặng tại Hà Nội chỉ sau trận mưa đầu mùa hồi đầu tháng 5-2016
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn trung ương cũng xác nhận, cả năm 2015 chỉ có 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó cơn bão số 1 tận cuối tháng 6-2015 mới xuất hiện nhưng đến giữa tháng 12 vẫn có cơn bão số 5. Trong số 5 cơn bão này, chỉ có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong năm 2016, có thể chỉ có khoảng 4 - 5 cơn bão xuất hiện và có xu thế ít hơn trung bình nhiều năm. Mặc dù bão ít nhưng do ảnh hưởng của chu kỳ La Nina nên năm nay mưa lũ lại khốc liệt hơn mọi năm.
Ông Lê Thanh Hải cũng cho rằng, trong tháng 6 - 7, La Nina còn trung tính nhưng từ tháng 8-2016 mới bắt đầu chu kỳ chính thức của La Nina và tâm điểm là tháng 10 - 11. Do đó, vào khoảng thời gian từ tháng 10 đến cuối năm, mưa lũ và bão sẽ dồn dập ở miền Trung, có thể đổ bộ vào cả khu vực Nam bộ. Từ tháng 5, Nam bộ và Tây Nguyên đã bắt đầu vào mùa mưa do ảnh hưởng của gió Tây Nam, còn ở Trung bộ bước vào mùa mưa vào khoảng tháng 10 - 11 nhưng sẽ kéo dài do La Nina tác động. Tại Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ trong hai tháng 9 và 10 sẽ có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 5% - 15% (riêng ở Bắc bộ sẽ dồn dập vào các tháng 6, 7, 8).
Theo ông Lê Thanh Hải, La Nina có ưu điểm là mang lại khí hậu mát, mặc dù vẫn có các đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 6 và 7 nhưng sẽ không lập kỷ lục như năm 2015 và tần suất cũng ít hơn. Tuy nhiên, mưa lũ gia tăng do bão và không khí lạnh cuối năm rất dễ gây ra sạt lở, ngập lụt, lũ quét… nên các địa phương cần phải chủ động triển khai các giải pháp quy hoạch đô thị, gia cố hệ thống đê điều, tiêu thoát lũ, tránh tình trạng ngập lụt kinh hoàng như tại TP Hạ Long và Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh trong năm 2015.
Bộ NN-PTNT xác nhận, không chỉ tại Hà Nội và TPHCM có hệ thống tiêu thoát lũ và nước ngập còn nhiều bất cập mà ở nhiều khu đô thị đang phát triển khác, quy hoạch đô thị hiện nay vẫn chưa tính hết các yếu tố do thiên tai cũng như hệ lụy về môi trường gây ra. Mặc dù một vài địa phương đã có quy hoạch thoát lũ, chống ngập nhưng triển khai chưa đồng bộ, chồng chéo nên không hiệu quả khi có sự cố.
Theo ông Hồ Phi Long, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, hiện cả nước có khoảng 40 tỉnh và thành phố có nguy cơ ngập sâu do tác động của mưa, lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng, xâm ngập mặn, gồm 5 tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, toàn bộ vùng duyên hải Trung bộ, các tỉnh ở vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ.
VĂN PHÚC