
Hơn một tháng rưỡi nay, cả làng gốm Chăm Bầu Trúc (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) luôn trong trạng thái hồi hộp trước một sự kiện đặc biệt: các nghệ nhân đắp 2 chiếc bình gốm lớn nhất Việt Nam. Sau khi hoàn thành, ngoài việc đăng ký kỷ lục Guinness Việt Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng họa sĩ thư pháp Nhất Chi Lan tổ chức bán đấu giá 2 chiếc bình đặc biệt này để gây quỹ chăm sóc trẻ dân tộc Chăm nghèo hiếu học. Chúng tôi đã có mặt tại làng Bầu Trúc để chứng kiến các công đoạn hoàn thành 2 bình gốm khổng lồ này.
Ảnh 1: Ngày 16-3-2005, chị Nhất Chi Lan và 5 thợ gốm làng Bầu Trúc tiến hành xây 4 mẫu bình do chị phác thảo nhằm dự trù những tình huống xấu có thể xảy ra. Dự kiến, mỗi chiếc bình cao khoảng 2m, cần hơn 200kg đất sét pha cát. Đất sét được lấy ở ruộng dọc bờ sông Quao đem về đập nhỏ, phơi khô và ngâm nước tạo độ dẻo cần thiết.
Ảnh 2: Cát được sàng kỹ và pha đất theo tỉ lệ thích hợp.
Ảnh 3: Đây là công đoạn nhồi đất theo kiểu cổ truyền. Người làm gốm dùng chân đạp liên tục vào khối đất pha cát cho đến khi chúng hòa nhuyễn vào nhau, không dính chân.
Ảnh 4: Điểm độc đáo của thợ gốm Bầu Trúc là không làm sản phẩm trên bàn xoay chuyển động. Xây xong đế bình, người thợ vận dụng đôi tay và đôi chân di chuyển khéo léo quanh chiếc bình để nắn đất tạo dáng theo ý muốn mà vẫn giữ sự cân đối nhất định cho bình. Một chiếc bình đắp đất xong mất khoảng 5 ngày.
Ảnh 5: Chị Nhất Chi Lan và thợ gốm tiến hành đắp phù điêu trên thân bình. Công đoạn này tốn nhiều công sức và thời gian nhất, 1 tuần lễ mới hoàn thành 4 bức phù điêu trên một chiếc bình. Đây là lần đầu tiên bình gốm Chăm có phù điêu đắp nổi.
Ảnh 6: Chiếc bình gốm có phù điêu và hoa văn nặng khoảng 300 kg được hong khô và phơi nắng trong 20 ngày trước khi đem nung ngoài trời. Một lượng lớn rơm, củi, trấu được chất đều chung quanh bình và nung suốt 1 ngày 1 đêm.
Ảnh 7: Ngày 26-4-2005, 2 chiếc bình được xử lý để bảo quản tốt. Chiếc bình bên phải cao 1m9, nặng 200kg, 4 bức phù điêu diễn tả các điệu múa quạt. Chiếc bình bên trái cao 1m84, nặng 150kg, 4 bức phù điêu diễn tả vũ điệu Áp-sa-ra.
Ảnh 8: Hai chiếc bình được đưa vào thùng cây, chèn rơm xung quanh. Cuối tháng này, chúng sẽ có mặt tại TPHCM và báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ tổ chức bán đấu giá gây quỹ học bổng cho trẻ em dân tộc Chăm nghèo hiếu học.

Ảnh 1

Ảnh 2

Ảnh 3

Ảnh 4

Ảnh 5

Ảnh 6

Ảnh 7

Ảnh 8
HỒNG LOAN