Bão số 1 gây mưa to ở Đông Nam bộ - Gần 300 nhà bị lốc xoáy tàn phá

Đề phòng lũ trên các sông Tây Nguyên và Nam Trung bộ
Bão số 1 gây mưa to ở Đông Nam bộ - Gần 300 nhà bị lốc xoáy tàn phá

Đề phòng lũ trên các sông Tây Nguyên và Nam Trung bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, chiều và tối qua, Bão số 1 ở vào khoảng 9,8 độ vĩ Bắc và 109,4 độ kinh Đông, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 80km về phía Đông Nam và vẫn đang di chuyển nhằm thẳng hướng vào các tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Hiện tại, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão vẫn đạt cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Dự báo trong khoảng 12 giờ tới, bão sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5 - 10km. Đến sáng 1-4, tâm bão chỉ còn nằm cách bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bến Tre khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Sau đó, bão sẽ di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km rồi có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi vừa chạm vào đất liền vào chiều 1-4. Khoảng đêm 1-4 và ngày 2-4, khi đi sâu vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến  Bến Tre, áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp ở biên giới Campuchia.

Sơ đồ hướng đi của bão số 1.

Sơ đồ hướng đi của bão số 1.

Theo nhận định, do suy yếu thành một vùng áp thấp nhiệt đới khi vừa chạm bờ nên hoàn lưu bão sẽ gây mưa to và trên diện rộng cho các tỉnh ở Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tại TPHCM trời đầy mây, sẽ có mưa vừa đến mưa to, có khu vực mưa rất to trong 1-2 ngày tới. Trên vùng biển Nam Trung bộ và Nam bộ, do ảnh hưởng của bão, gió đang mạnh dần lên cấp cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 10-11, gây mưa dông và biển động mạnh.

Chiều qua, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương cho biết, các cơ quan, ban ngành Trung ương đến địa phương đã sẵn sàng tất cả mọi phương tiện, vật tư để chống Bão số 1. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết đã thông báo cho 48.575 tàu, thuyền với 230.324 lao động biết vị trí, diễn biến của Bão số 1. Trong đó, khu vực quần đảo Trường Sa đang có 758 tàu với 10.617 người, còn lại 11.066 tàu với 80.479 người đang hoạt động ven bờ hoặc các khu vực khác.

Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên cho biết, đến ngày 31-3, các địa phương từ Quảng Nam đến Ninh Thuận đã kêu gọi được 23.739 tàu vào neo đậu, trú tránh bão số 1. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 844 tàu với 9.687 lao động đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi chiều 31-3, 23 ngư dân bị nạn, thả trôi tại khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 30-3 vẫn tiếp tục điện vào bờ kêu cứu. Bởi hiện nay nhiên liệu và lương thực trên 2 tàu này đã cạn kiệt. Đó là tàu QNG 90046 TS do ông Phạm Văn Mãng làm thuyền trưởng và tàu QNG 90252 TS do ông Phạm Văn Quang làm thuyền trưởng. Đến 17 giờ chiều 31-3, các ngư dân cho biết đang trôi tại tọa độ cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam về phía Đông Bắc khoảng 119 hải lý. Hiện đài canh cộng đồng và Bộ đội Biên phòng đang liên hệ tìm tàu hành nghề ở cùng tọa độ để đến cứu 2 tàu cá này.

Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại Khánh Hòa. Ảnh: Văn Ngọc

Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại Khánh Hòa. Ảnh: Văn Ngọc

Ngày 31-3, Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa đến mưa to. Tuy nhiên, mưa chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng, vùng miền núi ít mưa nên các hồ chứa trên địa bàn vẫn ở mức an toàn. Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Khánh Hòa, đã có 9.734 /10.000 tàu biển các loại đã vào các cảng neo đậu để tránh bão. Hiện còn 266 tàu cá với 2.455 ngư dân đang khai thác ở khu vực biển Trường Sa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang... đã được Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa liên lạc, hướng dẫn di chuyển tới các khu vực an toàn.

Tại Phú Yên, hiện vẫn có hơn 200 tàu cá và hơn 2.000 lao động trên các vùng biển Trường Sa. Qua liên lạc, các tàu này đã tìm được nơi trú ẩn, tránh bão. Cùng ngày, trên địa bàn Phú Yên lượng mưa có giảm, do đó, người dân tiếp tục thu hoạch lúa đông xuân. Ban PCLB tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong ngày 31-3, trên địa bàn có mưa nhỏ, không gây thiệt hại nhiều đến sản xuất, tài sản người dân. UBND huyện Phú Quý (Bình Thuận) cho biết có 39 tàu với 499 lao động đang neo đậu tại đảo Trường Sa và Côn Đảo; thuyền ngoài tỉnh đang trú tại đảo là 4 tàu với 87 lao động; 175 hộ với 857 khẩu ở các vùng xung yếu cũng đã được vận động di dời đến các trường học và nhà dân kiên cố đảm bảo an toàn.

Từ 4 giờ sáng 31-3, tỉnh Đắc Lắc đã có mưa vừa trên diện rộng. Khi mưa lũ, nước chảy xiết, tỉnh cũng nghiêm cấm các tàu thuyền không được qua lại các sông, suối nhằm tránh các sự cố xảy ra.

Kiểm tra công tác phòng chống bão lụt tại sông Cà Ty, TP Phan Thiết, Bình Thuận.

Kiểm tra công tác phòng chống bão lụt tại sông Cà Ty, TP Phan Thiết, Bình Thuận.

Miền Nam mưa to, lốc xoáy

Hiện các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của Bão số 1 (Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh) đã có phương án sơ tán, di dời ở các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Ngày 31-3, Tiền Giang cũng có lệnh ngưng hoạt động các bến tàu đi Cần Giờ (TPHCM) và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Từ rạng sáng 31-3, ĐBSCL đã có mưa lớn, kéo dài, gây nhiều thiệt hại cho đời sống và sản xuất của người dân, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hoạch lúa đông xuân. Nhiều diện tích lúa chính chưa thu hoạch kịp bị sập, ngập nước, trong đó 4 huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai, Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có hàng ngàn hécta lúa đông xuân bị hư hại hoàn toàn. Máy gặt đập liên hợp không đủ, khó hoạt động được trên các diện tích lúa ngã sập, ngập nước nên chi phí thuê công cắt lúa tăng cao. Hiện chi phí thu hoạch một công lúa (làm thủ công) từ ruộng về nhà gồm các khâu: cắt, gom, suốt, vận chuyển; tốn ít nhất 1 triệu đồng. Ngoài ra, hàng trăm hécta muối sắp thu hoạch tại huyện Đông Hải, Hòa Bình, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) đang chờ thu hoạch tan theo nước, tổng thiệt hại hơn 5 tỷ đồng.

Thống kê sơ bộ trên địa bàn TP Cần Thơ, mưa to, gió lớn trong ngày đã làm sập, tốc mái 35 nhà dân ở các quận, huyện Thốt Nốt, Phong Điền, Bình Thủy, Cái Răng, Vĩnh Thạnh. Mưa dông kèm theo lốc xoáy còn giật sập và tốc mái 24 nhà dân ở tỉnh Bạc Liêu.

Tại Bến Tre, mưa lớn cũng đã làm tốc mái không ít nhà cửa, gây gãy đổ nhiều vườn cây của người dân. Vào lúc 2 - 3 giờ sáng 31-3, một cơn gió xoáy đổ vào 2 huyện ven biển là Cần Đước và Cần Giuộc (tỉnh Long An) đã làm hơn 70 căn nhà tốc mái, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thiệt hại nặng nhất là xã Long Thượng, Phước Lý (huyện Cần Giuộc) có 50 căn bị tốc mái.

Rạng sáng ngày 31-3, tại các xã Tân Quới, Tân Hưng, Thành Lợi, Mỹ Thuận, Tân An Thạnh của huyện Bình Tân tỉnh Vĩnh Long có trên 160 căn nhà của dân hư hỏng nặng, hơn 10 căn bị sập hoàn toàn, nhiều cây cối, cột điện ngã đổ, hàng chục hécta rau màu bị ảnh hưởng do mưa lớn kèm theo sấm, sét và lốc xoáy, rất may không có thiệt hại về người. Ước thiệt hại ban đầu do dông và lốc xoáy ở các xã trong huyện khoảng 500 triệu đồng. Huyện Bình Tân đã ứng trước kinh phí hỗ trợ ngay mỗi hộ có nhà bị sập do dông, lốc một triệu đồng và tiếp tục rà soát, kiến nghị về tỉnh hỗ trợ tiếp theo quy định.

Đến đầu giờ chiều 31-3 vẫn còn 190 tàu đánh cá của Bạc Liêu với hơn 2.100 lao động trên đường vào bờ tránh trú bão. Chiều cùng ngày, phần lớn tàu trong số hơn 2.000 phương tiện ở Bến Tre đã liên lạc được với đất liền. Một số phương tiện còn lại tiếp tục được Bộ đội Biên phòng và gia đình tìm cách liên lạc và kêu gọi phương tiện ra khỏi vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu để tránh bão. Trong khi đó, Tiền Giang có hơn 600 phương tiện còn đánh bắt ngoài khơi. Tuy nhiên số phương tiện này hoạt động ngoài vùng bị ảnh hưởng của Bão số 1 và hầu hết đã liên lạc được với đất liền.

TPHCM: Di dời dân xã đảo Thạnh An vào đất liền

Trước diễn biến phức tạp của Bão số 1 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến TPHCM, ngày 31-3, Phó Chủ tịch UBNDTP Lê Minh Trí, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP (PCLB-TKCN), có văn bản chỉ đạo các sở - ngành TP và chủ tịch UBND quận - huyện khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó trước khi bão số 1 ảnh hưởng đến TP theo phương án phòng tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào TP. Chủ động vận hành có hiệu quả phương án 4 tại chỗ ở các đơn vị cơ sở, phường - xã - thị trấn để chủ động ứng phó với mọi tình huống bất lợi trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền.

Trong đó, huyện Cần Giờ tổ chức ngay việc sơ tán, di dời dân ở xã đảo Thạnh An và các vùng nguy hiểm (khu vực ven biển, cửa sông, trên sở đáy, các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy sản, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất) hoàn thành trước 15 giờ ngày 31-3-2012. Tối 31-3, ông Bùi Thanh Điệp, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Cần Giờ, cho biết, cơ bản di dời người dân xã đảo Thạnh An vào đất liền, tập trung tại 3 điểm: Trung tâm văn hóa huyện, Liên đoàn Lao động huyện và Nhà Văn hóa thiếu nhi huyện.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, UBND huyện Cần Giờ và Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cửa sông, cửa biển không cho tàu thuyền ra khơi, thực hiện nghiêm lệnh cấm tàu thuyền ra khơi của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP cho đến khi có lệnh mới. 


* Ngày 31-3, tại TP Vũng Tàu, Liên hoan Diều quốc tế lần IV, với chủ đề “Vũ điệu hòa bình” đã khai mạc. Do ảnh hưởng của Bão số 1 nên liên hoan sẽ chỉ diễn ra trong 2 ngày 31-3 và 1-4 thay vì kéo dài đến 2-4.   

Tham dự liên hoan có 160 nghệ nhân diều đến từ 32 đoàn của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đoàn Việt Nam có sự góp mặt của nhiều câu lạc bộ diều đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam và địa phương đăng cai tổ chức là Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục