Bão số 1 hoành hành Đông Nam bộ - Hàng trăm nhà sập, cây xanh gãy đổ

Sáng 1-4, các đồng chí: Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP kiêm Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) TP; cùng lãnh đạo các sở ngành TP đã họp với Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Cần Giờ và kiểm tra thực tế tình hình ứng phó bão số 1 ở huyện Cần Giờ.
Bão số 1 hoành hành Đông Nam bộ - Hàng trăm nhà sập, cây xanh gãy đổ

* Bão số 1 tan thành áp thấp nhiệt đới 

Sáng 1-4, các đồng chí: Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP kiêm Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) TP; cùng lãnh đạo các sở ngành TP đã họp với Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Cần Giờ và kiểm tra thực tế tình hình ứng phó bão số 1 ở huyện Cần Giờ.

Đồng chí Nguyễn Văn Đua chỉ đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn huyện và ban nhân dân các ấp, khu phố các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra việc chằng chống nhà cửa. Vận động người dân không chủ quan với tình hình bão số 1, đặc biệt vận động người dân sống ven biển xã Long Hòa đến nơi trú ẩn an toàn, chú trọng di dời người già, phụ nữ và trẻ em; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân. Đồng chí yêu cầu chính quyền địa phương rà soát tại các nhà hàng, điểm dừng chân, kiên quyết vận động khách du lịch nhanh chóng rời khỏi Cần Giờ.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thăm bà con tránh bão ở Cần Giờ.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thăm bà con tránh bão ở Cần Giờ.

Đến 22 giờ ngày 1-4, theo thống kê từ Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TPHCM, bão số 1 làm 427 căn nhà sập và tốc mái, 224 cây xanh bị ngã đổ, 11 ghe bị chìm, 85 hệ thống điện bị hư hỏng, nhiều trường học, trụ sở, chợ hư hỏng...
Trước đó, UBND huyện Cần Giờ đã di dời hơn 3.200 nhân khẩu ở vùng ven biển (nhất là vùng xã đảo Thạnh An), vào 4 địa điểm tập trung trên địa bàn thị trấn Cần Thạnh gồm: Trung tâm Văn hóa huyện, Liên đoàn Lao động huyện, Nhà Thiếu nhi huyện, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Tính tới 17 giờ cùng ngày, 1.391 phương tiện với 4.108 ngư dân đã ngưng hoạt động và neo đậu an toàn. Hơn 300 du khách đã rời khỏi Cần Giờ vào tối 31-3 và sáng 1-4.

15 giờ ngày 1-4, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TPHCM có công điện khẩn chỉ đạo: Sở GTVT TP và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu nhà hàng không được xuất bến hoạt động từ 16 giờ ngày 1-4 cho đến khi có lệnh mới. Các chủ bến và chủ phương tiện chủ động tổ chức các biện pháp phòng tránh, ứng phó bão; khẩn trương sắp xếp đảm bảo an toàn các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến.

Sơ tán người dân Cần Giờ vào nơi an toàn.

Sơ tán người dân Cần Giờ vào nơi an toàn.


Lúc 17 giờ ngày 1-4, ngay sau khi bão số 1 đổ bộ vào Cần Giờ, các đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, Phó ban Chỉ huy PCBL-TKCN TPHCM cùng Thường trực Huyện ủy - UBND và các ban ngành, đoàn thể huyện Cần Giờ đã tiến hành kiểm tra các tuyến đường và bến đò tại địa bàn thị trấn Cần Thạnh.

Sau buổi kiểm tra, các đồng chí lãnh đạo đã tổ chức buổi họp nhanh đánh giá thiệt hại cơn bão số 1. Tính tới thời điểm 17 giờ 30, trên địa bàn huyện có 4 căn nhà bị sập, 16 căn nhà bị tốc mái, 11 chiếc ghe máy nhỏ bị chìm, 1 tàu bị trôi và có người trên tàu đã được cứu hộ an toàn, 14 cây xanh bị ngã đổ và 1 trụ hệ thống điện bị ngã.
Khắc phục hậu quả sau cơn bão tại TPHCM.

Khắc phục hậu quả sau cơn bão tại TPHCM.


Do ảnh hưởng của bão số 1, cơn mưa lớn kèm theo gió mạnh xảy ra vào chiều tối 1-4 tại TPHCM đã làm hàng chục ngôi nhà tốc mái, cây xanh ngã đổ. Mưa lớn kèm gió lốc đã làm nhiều cây xanh trên các tuyến đường ở trung tâm TPHCM như: Lê Duẩn, Nguyễn Du, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Văn Thủ (quận 1), Nguyễn Trãi (quận 5) bị ngã đổ… Đã xảy ra các vụ sập giàn giáo xây dựng tại số 11 Thái Văn Lung (quận 1), đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức)… Tại phường Phước Long B, quận 9; phường 9, quận Phú Nhuận… nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hại hoàn toàn.

Ngoài ra, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM cho biết: Cơn mưa lớn trên diện rộng, gió lớn xảy ra vào chiều tối qua 1-4 có vũ lượng 102mm đã gây ngập 8 điểm gồm: Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Hòa Bình, Âu Cơ (Tân Phú), Bàu Cát, Đồng Đen (Tân Bình), Tỉnh lộ 43 (Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Nguyễn Văn Quá (quận 12) nước ngập sâu từ 10 - 30cm. Riêng đường Hòa Bình, Âu Cơ (Tân Phú), Bàu Cát, Đồng Đen (Tân Bình) ngập do ảnh hưởng của dự án nâng cấp đô thị, chặn dòng thi công kênh Tân Hóa.

Bão số 1 tan thành áp thấp nhiệt đới 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, chiều 1-4, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Sau đó, ATNĐ tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Sáng 2-4, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,5 độ vĩ Bắc và 105,4 độ kinh Đông, trên địa phận Campuchia.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bến Tre vẫn còn có gió giật cấp 6, cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

*****

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay rơi vào thứ bảy lại trùng với dịp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Liên hoan Diều quốc tế lần thứ 4 nên hàng chục ngàn du khách đã đổ về Vũng Tàu trong ngày 31-3. Tình trạng “cháy phòng” đã diễn ra khắp nơi. Giá phòng khách sạn loại thường vì thế cũng tăng vọt từ 400.000 đồng/phòng 2 giường ngày thường vọt lên 1,1 – 1,3 triệu đồng.

Tuy nhiên, ban tổ chức đã quyết định hủy liên hoan diều năm nay vì cả tỉnh lo tập trung chống bão số 1. Suốt buổi sáng 1-4 trời bắt đầu đổ mưa liên tục và đến trưa thì du khách bắt đầu rời khỏi TP biển này. Mặc cho gió cấp 6 - 7 giật cuốn liên hồi, mưa giăng mù mịt, từng tốp xe máy cùng ô tô các loại nối nhau theo quốc lộ 51 rút khỏi Vũng Tàu.

Khi du khách theo tỉnh lộ 25B trở về TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long qua ngã Long Thành lại gặp trắc trở. Do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1, phà Cát Lái tạm ngưng hoạt động nên ô tô và xe máy lại phải đội mưa quay ngược lại hàng chục cây số giữa trời mưa bão để trở ra quốc lộ 51 về TPHCM, Long An… tạo nên cảnh chen chúc trên xa lộ Hà Nội vào tối cùng ngày.

Tại Ninh Thuận, mưa bão cuốn trôi một người, đánh chìm một tàu cá. Chiều 1-4, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Ninh Thuận cho biết: trên địa bàn tỉnh có mưa rất to, biển động mạnh, làm chết anh Trần Xuân Hậu (SN 1987, ở thôn Phương Cựu 3, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) - bị nước cuốn trôi khi đi qua bờ tràn Cây Trôm vào sáng 1-4.

Tại cảng cá Cà Ná, sóng lớn cũng đã đánh chìm một chiếc tàu công suất 110 CV của hộ ông Phạm Kiên (thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam), khi tàu đang neo đậu tránh trú bão tại đây.

Tại Bình Thuận, đã di dời khẩn cấp 1.600 hộ dân trong vùng nguy hiểm. Dù bão số 1 không đổ bộ trực tiếp vào đảo Phú Quý (Bình Thuận) như dự báo, nhưng biển Phú Quý vẫn có sóng to, gió lớn nhấn chìm 3 tàu cá của ngư dân tại khu vực cảng. TP Phan Thiết có 3 căn nhà bị tốc mái, trong khi tuyến đường Trần Lê, phường Đức Long bị sóng lớn đánh sạt lở tạo hàm ếch.

Tại thị xã La Gi, gió giật làm ngã 2 trụ điện và tốc mái 4 cơ sở trường học. Chính quyền thị xã đang gấp rút di dời 1.613 hộ dân tại phường Phước Lộc (ven biển) và Phước Hội (dọc sông Dinh) đến nơi an toàn.

Tại Khánh Hòa, anh Lê Văn Lâm, Đội trưởng đội Dịch vụ Hậu cần nghề cá nhân dân đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa) cho biết, trong những ngày vùng biển Trường Sa bị ảnh hưởng bởi bão số 1, có gần 100 tàu thuyền câu mực, lưới vây, câu cá ngừ đại dương của nhiều tỉnh miền Trung với khoảng 1.700 ngư dân vào trú tránh tại đảo Đá Tây. Đến chiều 1-4, thời tiết tại khu vực đã tốt, nhiều tàu đã rời đảo tiếp tục đi đánh bắt hải sản.

Tại Vĩnh Long là địa phương bị gió lốc gây thiệt hại nặng nhất với 321 căn nhà bị tốc mái thuộc 15 xã của 3 huyện Bình Tân, Bình Minh và Long Hồ; trong đó có 25 căn nhà bị sập hoàn toàn. Ngoài ra, gió lốc còn làm gãy và đổ ngã 10 trụ điện, thiệt hại 1,8ha rau màu ở huyện Bình Tân. Ước thiệt hại ban đầu hơn 2,1 tỷ đồng.

Tại Tiền Giang ngay từ sáng sớm 1-4 đã sơ tán dân bước 2 ở các xã ven biển, ven sông thuộc huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Tổng cộng có 11.000 hộ dân di tản đến nơi ở an toàn, tránh bão.

Tại Bến Tre đã di dời 1.870 nhân khẩu thuộc 4 huyện: Chợ Lách, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đến nơi an toàn, đồng thời vận động 470 nhân khẩu ở nhà tạm bợ sang trú ngụ ở khu vực khác để đảm bảo an toàn. Hôm nay 2-4, học sinh toàn tỉnh Bến Tre được nghỉ học tránh bão.

Tại Bạc Liêu, mưa lớn trong những ngày qua đã làm hơn 3.000ha muối giai đoạn kết tinh, chuẩn bị cho thu hoạch các xã ven biển của tỉnh bị tiêu tan thành nước. Mưa lớn kèm gió mạnh còn làm tốc mái 24 ngôi nhà, một người dân bị sét đánh chết.

Tại Cà Mau, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh cho biết địa phương có gần 300 tàu cập bến 2 cửa biển Sông Đốc và Khánh Hội an toàn, gần 1.200 phương tiện vào trú bão tại các hòn đảo ngoài khơi như Hòn Chuối, Hòn khoai. Các cơn mưa kèm theo dông trong mấy ngày qua đã làm sập hoàn toàn 17 căn nhà và làm tốc mái 70 căn nhà của người dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ban chỉ huy PCLB-TKCN các tỉnh ĐBSCL trong 2 ngày 31-3 và 1-4, do ảnh hưởng của bão số 1, gió lốc đã làm sập gần 450 căn nhà của người dân ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Trong đó có hơn 40 căn nhà bị sập hoàn toàn, nhiều cây cối và cột điện bị gãy đổ.

*****

Nhiều người còn chủ quan  

Không bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng bão số 1 mang đến Nha Trang (Khánh Hòa) những trận mưa to, gió lớn và biển động mạnh. Tuy vậy, nhiều du khách đến TP Nha Trang trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ vẫn chọn các phương tiện tàu thuyền du lịch biển.

Có mặt tại cảng Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) trong các ngày 31-3 và 1-4, chứng kiến những chuyến tàu du lịch vẫn ra vào cảng, đưa hàng trăm lượt khách lênh đênh trên biển, chúng tôi giật mình và liên tưởng đến những cái chết thương tâm do đắm tàu thời gian vừa qua. Theo một số chủ tàu, dù có bão nhưng do đã đặt tour đến Nha Trang từ trước nên nhiều du khách không hủy được, đành phải đi theo kế hoạch.

Theo thống kê của Ban quản lý cảng Cầu Đá, trong ngày 31-3 có 52 lượt tàu xuất bến, ngày 1-4, do ít mưa nên du khách đi nhiều hơn, chỉ trong buổi sáng đã có khoảng 40 tàu xuất bến. Một lãnh đạo ban cho biết, do không có lệnh cấm tàu chở khách đi lại trong mấy ngày qua nên cảng vẫn hoạt động bình thường.

Riêng đối với Ninh Thuận, ngay trong lúc sóng to gió lớn, bão số 1 kề cận nhưng vẫn có hàng chục tàu thuyền cùng ngư dân bám biển, dù chỉ là đánh bắt gần bờ. Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Ninh Thuận, trong ngày 31-3 trên địa bàn vẫn còn 46 tàu thuyền với hàng chục ngư dân đánh bắt vùng gần bờ, nơi cửa biển.

Điều đáng nói là, dù đã được các lực lượng chức năng nhiều lần yêu cầu không được đánh bắt khi có bão, nhưng những cảnh báo này đều bị các ngư dân coi thường.

NHÓM PV

Thông tin liên quan

>> Sẵn sàng phương án sơ tán dân tránh bão số 1

>> Nam Trung bộ khẩn trương chống bão

>> Chủ động đối phó cơn bão số 1

>> Bão số 1 đang tiến vào bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận 

Tin cùng chuyên mục